Trung Quốc và ASEAN nên thúc đẩy hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực trong thời gian tới để cải thiện tối đa lợi ích và tăng cường phát triển. Ảnh minh họa: Congthuong.vn
Hợp tác bền vững
Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN. Sáng ngày 22/11/2021, hai bên chính thức nâng tầm quan hệ lên thành Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-ASEAN.
Kể từ năm 2020, ASEAN vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 11/2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc với ASEAN là 798 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm khoảng 14,4% tổng giá trị ngoại thương của Trung Quốc.
Trong bối cảnh lịch sử mới, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, nông nghiệp, kinh tế thương mại, Trung Quốc và ASEAN cần đẩy mạnh hợp tác sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế biển, nông nghiệp nhiệt đới hiệu quả cao, kinh tế số và các lĩnh vực khác.
Các lĩnh vực cần đẩy nhanh tốc độ phối hợp
Thứ nhất, làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế biển và thúc đẩy thiết lập quan hệ đối tác Trung Quốc-ASEAN về kinh tế xanh. Việc thiết lập quan hệ đối tác Trung Quốc-ASEAN về nền kinh tế xanh là một trong những mục tiêu quan trọng được đặt ra trong “Tầm nhìn Đối tác Chiến lược Trung Quốc-ASEAN năm 2030”.
Với đường bờ biển dài, hầu hết các nước ASEAN đều được ưu đãi với nguồn tài nguyên biển dồi dào. Trung Quốc cũng là một quốc gia có đại dương lớn với nguồn tài nguyên biển đa dạng. Do đó, Trung Quốc và ASEAN có tiềm năng phát triển rất lớn để cả Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong các ngành kinh tế biển, như nuôi trồng thủy sản biển, chế biến thủy hải sản, giao thông vận tải biển, năng lượng biển mới, bảo vệ môi trường biển... Hai bên cũng có tiềm năng rất lớn để cùng hợp tác thiết lập thị trường buôn bán thủy sản và trao đổi công nghệ thủy sản hiện đại.
Điều đáng chú ý là tại phiên họp lần thứ 26 của Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) được tổ chức vào tháng 11, vấn đề Carbon xanh (Carbon lưu giữ trong hệ sinh thái biển và ven biển) đã trở thành một trong những trọng tâm chính. Là bể chứa Carbon tự nhiên chính của hệ sinh thái biển, Carbon xanh có lợi thế đáng kể so với bể chứa Carbon trong rừng về khả năng thu giữ và lưu giữ Carbon, đồng thời là một phương pháp quan trọng để đạt được mức phát thải Carbon Dioxide cao nhất, cũng như đạt được mục tiêu trung hòa Carbon. Do đó, Trung Quốc và ASEAN nên tích cực tìm cách tăng cường hợp tác trong nghiên cứu Carbon xanh...
Thứ hai, tăng cường hợp tác trong toàn bộ chuỗi công nghiệp, nông nghiệp nhiệt đới. Với sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, hiện nhu cầu đối với các sản phẩm nông nghiệp và trái cây nhiệt đới đang ngày càng tăng. Trong đó trái cây nhiệt đới là một số sản phẩm đặc sản chính của các nước ASEAN.
Đơn cử trong sự phát triển của ngành dừa. Hiện nay, sản xuất và xuất khẩu dừa tập trung ở Đông Nam Á, nơi sản lượng dừa chiếm hơn 80% của toàn bộ thế giới. Tỉnh Hải Nam là trung tâm trồng và chế biến dừa trong trọng nhất của Trung Quốc. Song, sản lượng dừa của tỉnh vẫn thiếu trầm trọng và có gần 2 tỷ trái dừa được nhập khẩu đến Hải Nam mỗi năm là từ Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Đặc biệt trong năm nay, thức uống từ dừa lại ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, nhất là xu hướng “tất cả đồ uống đều có thể được làm từ dừa” trong ngành công nghiệp giải khát của Trung Quốc.
Luckin Coffee, thương hiệu nổi tiếng của Trung Quốc vừa ra mắt một loạt dòng đồ uống từ dừa vào tháng 4/2021. Đến ngày 30/6, latte vị dừa của hãng đã đạt được doanh số bán hàng ở mức 10 triệu cốc/tháng. Được thúc đẩy bởi xu hướng này, một số thương hiệu đồ uống nổi tiếng của Trung Quốc như Nayuki Tea và Hey Tea đã tung ra thị trường hơn 160 sản phẩm liên quan đến dừa.
Trước cơ hội này, các doanh nghiệp từ các nước ASEAN, cũng như Hải Nam, Quảng Đông và các tỉnh khác của Trung Quốc có thể nắm bắt cơ hội để tăng cường hợp tác trong các ngành liên quan đến dừa, bao gồm trồng, kinh doanh, chế biến, xây dựng thương hiệu...
Thứ ba, tăng cường hợp tác đổi mới sáng tạo trong ngành kinh tế số. Nền kinh tế kỹ thuật số là một định hướng có ý nghĩa cho sự phát triển trong tương lai của châu Á – Thái Bình Dương và thậm chí là của thế giới. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong việc nâng cao khả năng phục hồi của khu vực. Trung Quốc và ASEAN đã bắt đầu một kỷ nguyên mới vào năm 2020, khi hai bên khởi động Năm Hợp tác Kinh tế Kỹ thuật số Trung Quốc-ASEAN. Sau đó, vào tháng 11/2020, Trung Quốc và ASEAN đã ra mắt Sáng kiến Xây dựng quan hệ đối tác về kinh tế kỹ thuật số. Hiện hai bên cũng đang triển khai các kế hoạch hành động cụ thể cho kế hoạch này.
Có thể nói rằng, nền kinh tế ASEAN có tiềm năng và triển vọng to lớn với nguồn thị trường rộng lớn. Theo báo cáo e-Economy 2020 của Google, Temasek và Bain & Company đưa ra hồi tháng 11, ngành công nghiệp Internet và nền kinh tế kỹ thuật số của khu vực Đông Nam Á tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ vượt 300 tỷ USD vào năm 2025.
Theo dữ liệu của Ban thư ký ASEAN, ước tính quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN có thể đạt 8,5% GDP vào năm 2025, tăng từ mức 1,3% ghi nhận của năm 2015. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng nhấn mạnh rằng thương mại kỹ thuật số sẽ được nhìn nhận và đối xử với thái độ cởi mở hơn, cũng như đặt ra nhiều điều khoản có lợi hơn cho thương mại điện tử.
Trong tương lai, Trung Quốc và ASEAN cần tiếp tục dẫn đầu bằng cách thiết lập quan hệ đối tác Trung Quốc-ASEAN về kinh tế kỹ thuật số, bên cạnh đó cũng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số công nghiệp, thành phố thông minh, không gian mạng và an ninh mạng.
Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)