Thương vụ hy vọng Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển sẽ là cầu nối để đưa hàng Việt vào thị trường Bắc Âu, không chỉ là hàng nông sản, thực phẩm mà dần mở rộng ra các mặt hàng khác.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu chia sẻ thêm: Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, năm 2022 sẽ là năm phục hồi kinh tế theo chu kỳ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén.

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhưng gián đoạn nguồn cung, cùng với giá năng lượng, vận chuyển, tình trạng thiếu hụt lao động.

Do vậy, nếu tình hình này vẫn tiếp diễn như hiện tại sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao gây lạm phát, suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

Ảnh minh họa: TTXVN

Thị trường Bắc Âu là thị trường nhỏ và xa nên trong bối cảnh đứt gãy cung cầu, giá vận chuyển tăng cao, các doanh nghiệp nhập khẩu với đơn hàng nhỏ sẽ chuyển hướng nhập khẩu từ các đầu mối lớn ở trung tâm châu Âu, thay vì nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam.

Hơn nữa, với nhân lực và nguồn lực hạn chế, trong năm 2022, định hướng xúc tiến thương mại của Thương vụ tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn, không xúc tiến tràn lan, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh hàng Việt Nam nói chung để hàng Việt hiện diện ngày càng nhiều tại khu vực Bắc Âu.

Để hỗ trợ cho xuất khẩu hàng Việt vào Bắc Âu, xúc tiến thương mại trực tuyến vẫn được tiếp tục ưu tiên trong năm 2022. Ngoài ra, năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Latvia, Thương vụ sẽ ưu tiên triển khai một số hoạt động tại thị trường này.

Dự kiến, một số các hoạt động chính sẽ được triển khai gồm phối hợp với Bộ Kinh tế Latvia tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Latvia; phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức đoàn xúc tiến thương mại khu vực Bắc Âu; hợp tác với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm Á châu về Việt Nam mua hàng.

Không những thế, Thương vụ còn tổ chức chương trình xúc tiến thương mại như tuần hàng Việt Nam; tham gia các hội chợ chuyên ngành để quảng bá sản phẩm và kết nối giao thương; tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn nhất khu vực Bắc Âu và tập trung xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp này.

Mặt khác, Thương vụ sẽ triển khai nghiên cứu đề tài khoa học Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Bắc Âu trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Cùng đó là các hoạt động khác như phổ biến thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, ngành hàng, tương tác với doanh nghiệp qua website, bản tin hàng tháng và facebook vẫn tiếp tục được duy trì.

Thống kê cho thấy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia đạt 1,86 tỷ USD. 10 tháng năm 2021, con số này đạt 1,74 tỷ USD, tăng 0,04% so với cùng kỳ.

Mặt hàng tăng trưởng rõ rệt nhất trong mấy năm gần đây là mặt hàng gạo. Kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, lượng nhập khẩu gạo của Thụy Điển từ Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,6 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi trước năm 2019, con số này chỉ vài chục nghìn cho đến hơn 100.000 USD.

Trong số các quốc gia xuất khẩu gạo vào Thụy Điển trong năm nay, chỉ có Việt Nam, Hoa Kỳ và Na Uy là có mức tăng trưởng dương, còn lại các quốc gia khác đều có mức tăng trưởng âm trong 9 tháng 2021.

Nguyên nhân là do tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, mặt hàng gạo của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng đã tích cực xúc tiến thương mại mặt hàng gạo, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp nhập khẩu gạo Việt Nam để được hưởng lợi thuế quan.

Đối với nhóm hàng may mặc và phụ kiện quần áo, nhập khẩu của Thụy Điển từ Việt Nam trong 9 tháng 2021 tăng 32% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, Thụy Điển cũng tăng cường nhập khẩu từ Bangladesh, Campuchia, Trung Quốc và Indonesia. Đặc biệt, có hai thị trường mới nổi trong năm nay với mức tăng trưởng đột biến là Malaysia với mức tăng trưởng là 173%, và Thái Lan với mức tăng trưởng là 244%.

Riêng mặt hàng giày dép, các đối thủ cạnh tranh truyền thống của ta tại thị trường Thụy Điển như Bangladesh, Campuchia, Indonesia đều sụt giảm kim ngạch từ 10% đến 19%. Ngay cả Trung Quốc, xuất khẩu giày dép hàng đầu vào Thụy Điển cũng giảm 2% trong 9 tháng năm 2021. Trong khi Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng dương mặc dù không nhiều nhưng cũng là dấu hiệu tích cực.

Để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt chú trọng nghiên cứu thị trường, đổi mới xúc tiến thương mại, và tăng cường cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

Trang website Thị trường Bắc Âu của Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã dần quen thuộc với các doanh nghiệp Việt Nam với các thông tin đầy đủ về thị trường.

Trong 2 năm vừa qua, Thương vụ đã xuất bản 14 cuốn sách điện tử về từng thị trường Bắc Âu và một số ngành hàng tiêu biểu của Việt Nam như nông sản, cà phê, thực phẩm hữu cơ, nhựa và các sản phẩm nhựa, giày dép.

Ngoài ra, Thương vụ cũng sử dụng trang website tiếng Anh để giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và quảng cáo cho doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam đến các doanh nghiệp Bắc Âu.

Đặc biệt, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển được thành lập với tên tiếng Thụy Điển là Vietnamesiska Handelsförening I Sverige và đã chính thức ra mắt ngày 28/11/2021 nhằm giúp tạo ra mạng lưới doanh nghiệp rộng khắp, đoàn kết, tương trợ, là sân chơi cho cộng đồng giao lưu, học hỏi và kết nối kinh doanh.

Ngay sau khi ra mắt, hoạt động kết hợp đầu tiên giữa Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển và Thương vụ là hội thảo tư vấn trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường Bắc Âu.

Theo TTXVN