Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự kiến điều chỉnh lương hưu từ đầu năm 2022. Ảnh: vtv.vn
Bắt đầu từ cuối năm dương lịch, khi trên truyền thông đưa tin về những khoản thưởng tết, lương tháng 13 cũng là lúc người ta nghĩ về tết. Cán bộ trong cơ quan Nhà nước chờ những khoản trích thưởng, quỹ công đoàn, quỹ tăng thêm của cơ quan; người kinh doanh trông chờ khoản lợi nhuận ước đoán nhiều hơn vào cuối năm. Dù “có của ăn, của để” hay gia đình còn khó khăn người ta cũng chờ đến dịp tết với những món quà, những khoản tiền có được vào dịp này.
Quan niệm “giàu ba ngày tết, khó ba ngày tết” là như vậy. Với người về hưu chỉ trông chờ vào khoản lương hưu thì tết đến lại có những nỗi niềm, lo lắng, so sánh, xen lẫn nỗi buồn không dám nói ra. Người về hưu nhiều năm về trước, với mức lương thấp lại càng lo lắng hơn. Những năm gần đây, ngân sách có “xúng xính” hơn nên lương được cho ứng trước 2 tháng, có tiền nhiều hơn, nhưng chi cho tết ra giêng lấy gì mà chi dùng cũng phải tính toán, cân nhắc. Không thể “vung tay” như khi đang đi làm có thưởng hay trông chờ vào lì xì, hỗ trợ của con cái.
Người về hưu đang sinh sống ở cơ sở có số lượng rất lớn, đông nhất phải kể đến quân đội, công an, giáo viên và người lao động các doanh nghiệp. Chưa có thống kê chính xác, nhưng thực tế có khi đông hơn cả số người đương chức. Trong đó, công an, quân đội nghỉ hưu còn có chế độ riêng hoặc đơn vị cũ quan tâm thăm hỏi, gặp mặt, tặng quà tết. Tuy không nhiều nhưng cũng gọi là có để động viên tinh thần, có thêm khoản “dằn túi” tiêu pha cho những ngày giáp tết.
Nhiều doanh nghiệp làm ăn được, những cơ quan có thu nhập cao còn tổ chức gặp mặt, liên hoan cuối năm, ra về còn có túi quà hoặc cái phong bì chúc tết kèm theo. Trong cơ quan hành chính, nhiều cơ quan có những khoản trích trong quỹ tăng thêm, quỹ công đoàn cũng tổ chức thăm, động viên với nhân viên, lãnh đạo cũ. Riêng đối với nhiều cơ quan có số người về hưu đông thì khó có điều kiện trang trải cho đều khắp.
Những năm gần đây, các phong trào từ thiện, quỹ nhân ái, tình thương thường có những món quà từ thiện dịp tết với những hộ nghèo, những gia đình khó khăn. Những gia đình chính sách được Nhà nước thăm, tặng quà tết cũng có những khoản chi dùng nhất định. Còn đối với cán bộ hưu, được gọi là có lương thì không thuộc diện được hưởng những khoản đó. Những ngày giáp tết thấy người này, người khác được cơ quan đến thăm, tặng quà còn mình thì không. Nỗi niềm so sánh, tự an ủi bằng cái “tặc lưỡi”, nhưng không khỏi ngậm ngùi...
Vào dịp lễ tết, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho người có công, gia đình khó khăn, người yếu thế bằng vật chất chu đáo, nghĩa tình. Dù có thu được đủ ngân sách hay không thì các khoản chi cho các đối tượng chính sách vẫn không thay đổi. Con số chi ra hàng nghìn tỉ đồng hàng năm là một khoản rất lớn trong khi đất nước còn nghèo, ngân sách eo hẹp.
Với mỗi người tuy không nhiều, nhưng cộng chung toàn xã hội thì đó quả là sự cố gắng rất lớn của Nhà nước. Người về hưu đã có khoản lương hàng tháng, dù không dư giả nhưng vẫn còn có khoản thu nhập cố định, đều xác định vậy và tự an ủi với chính mình, không trông chờ, hy vọng. Tuy nhiên, cảm giác vẫn có gì đó hụt hẫng, so sánh, nhất là người mới nghỉ hưu, người có thu nhập cao khi còn đương chức. Tâm lý mong muốn có được khoản thu nhập thêm vào cuối năm, nhất là vào dịp tết Nguyên đán là dịp tạo thêm niềm vui khi chuẩn bị đón thêm một tuổi mới của đời người.
Để có thêm ý nghĩa với người nghỉ hưu, thiết nghĩ cần có cơ chế xã hội hóa, hình thành quỹ chính sách ngay từ trong ngân sách bảo hiểm xã hội. Ngoài khoản chi trả lương hàng tháng và chính sách khác có thể trích một phần trong đó với tỉ lệ nhất định để dành cho những dịp lễ tết, rộng ra hơn có thể chi trợ cấp, mừng thọ, khen thưởng người tiếp tục có đóng góp tích cực cho xã hội. Tết đến, có thêm chút gì đó tăng thêm để chờ đợi, kích thích niềm vui, cũng là động viên đáng làm. Không nên để cảm giác bị bỏ rơi, nhìn ra bên ngoài rồi so sánh, thiếu thiện cảm với người đang tại chức và ngay cả với hàng xóm có điều kiện hơn. Với các cơ quan, doanh nghiệp là đầu mối chủ quản của người nghỉ hưu trong điều kiện cho phép, có thể dành những khoản chi vào những dịp cuối năm.
Thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp đã làm được, nhưng cũng chỉ mới là đơn vị có nguồn thu, lợi nhuận lớn và được thủ trưởng quan tâm.
Chúng ta thực hiện chính sách và kêu gọi công bằng xã hội thì cơ chế như nêu trên nếu được sẽ mở ra tiền đề cho những chính sách khác của chế độ đem lại. Đó cũng là ý nghĩa phúc lợi xã hội mang tính nhân văn.
NGUYỄN AN HÒA