Lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Luật, ĐH Huế đối thoại qua hình thức trực tuyến với sinh viên

Đối thoại, trao đổi thẳng thắn

Qua màn hình laptop, điện thoại, khoảng 300 sinh viên đại diện cho các lớp học tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế cùng tham dự chương trình gặp mặt - đối thoại với học viên, sinh viên. Những thắc mắc về chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí cho sinh viên ngành sư phạm, công tác đào tạo, công tác sinh viên, thi trực tuyến, thực tập trong bối cảnh dịch COVID-19 của các sinh viên đều được giải đáp cặn kẽ.

Đây là lần đầu tiên Trường ĐH Sư phạm tổ chức đối thoại với sinh viên theo hình thức trực tuyến, song vẫn nhận được sự tương tác, trao đổi, chất vấn thẳng thắn từ phía người học. ThS. Trương Thế Quy, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH và Công tác sinh viên Trường ĐH Sư phạm cho biết, để tạo ra cơ hội trao đổi, giải đáp thắc mắc kỹ hơn, các khoa chuyên môn tổ chức đối thoại trước ở cấp khoa để lãnh đạo khoa và giảng viên cố vấn giải đáp những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền. Sau đó, ý kiến của học viên, sinh viên về những chủ trương, chính sách của nhà trường được tổng hợp lại và trong chương trình đối thoại cấp trường, ban giám hiệu, lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trao đổi trực tiếp, dân chủ, giải đáp đến tận ý kiến cuối cùng.

Tại Trường ĐH Luật, ĐH Huế, ngay từ tháng 10/2021, các khoa chuyên môn đã cùng ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo các phòng, ban đối thoại sinh viên từng khoa qua hình thức trực tuyến. Còn tại Trường ĐH Kinh tế, chương trình đối thoại được định hướng tổ chức chung ở cả cấp khoa và trường. Lãnh đạo nhà trường cùng các phòng, ban tham dự với cán bộ quản lý, giảng viên cả 5 khoa chuyên môn để cùng trao đổi, phân tích và đưa ra giải pháp cho những vấn đề sinh viên quan tâm. Theo TS. Nguyễn Quang Phục, Trưởng phòng Công tác sinh viên - Thư viện, Trường ĐH Kinh tế, mặt thuận lợi từ cách làm trên là thuận tiện cho sinh viên đối thoại một lần, mọi thắc mắc, băn khoăn, tâm tư được giải quyết ngay, trực tiếp.

Tuy đối thoại trực tuyến, nhưng điểm đáng chú ý là sinh viên đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến, trao đổi. Những vấn đề liên quan đến quyền lợi trực tiếp của sinh viên như mong muốn hỗ trợ giảm học phí trong bối cảnh dịch bệnh cũng được sinh viên chia sẻ thẳng thắn. Như Hòa, sinh viên một trường thuộc ĐH Huế chia sẻ: Tâm lý sinh viên trước đây thường ngại hỏi, ngại chia sẻ nhưng nhờ những diễn đàn dân chủ như thế, sinh viên cảm thấy thoải mái hơn”.

Khuyến khích đối thoại thường xuyên

Hiện nay, chương trình gặp mặt - đối thoại sinh viên ở các trường vào mỗi năm học thường chỉ tổ chức 1 - 2 lần. Song, theo lãnh đạo các trường, đó không phải là kênh đối thoại duy nhất. Những vấn đề thắc mắc, băn khoăn hoặc tâm tư từ phía sinh viên nên được trao đổi, chia sẻ để giải đáp, giải quyết kịp thời, không nhất thiết phải đợi hoạt động đối thoại định kỳ.

TS. Nguyễn Quang Phục khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường tạo ra các nhóm group trên mạng xã hội. Đơn vị đào tạo cũng tiếp nhận ý kiến, chia sẻ của sinh viên qua fanpage trên facebook, email và qua cố vấn học tập. Đó được xem là kênh đối thoại quanh năm mà sinh viên nên tận dụng.

Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, phát huy tính dân chủ trong môi trường đào tạo luôn được ĐH Huế và các trường, khoa thuộc ĐH Huế chú trọng. Ngay tại Trung tâm Phục vụ sinh viên, các ký túc xá cũng có hoạt động đối thoại với sinh viên để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên.

Quan trọng là sinh viên cần chủ động, mạnh dạn bày tỏ quan điểm, ý kiến của mình, có thể chọn lựa cách bày tỏ phù hợp qua các kênh mà ĐH Huế, các đơn vị đang áp dụng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc