Công tác hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng thực chất hơn

Bắt đầu từ nhận thức

Kết quả khảo sát của Phòng Công nghiệp thương mại Việt Nam, có 50,9% DN đã ứng dụng các công nghệ số (CNS) trước khi dịch COVID-19 xảy ra; 25,7% DN bắt đầu ứng dụng CNS từ khi bắt đầu có dịch và có ý định tiếp tục sử dụng công nghệ này; 3,1% DN bắt đầu ứng dụng CNS từ khi có dịch nhưng sẽ quay lại cấu trúc cũ sau khi hết dịch; 17,3% DN chưa ứng dụng CNS nhưng quan tâm tới CNS kể từ khi có dịch và 3,1% DN chưa áp dụng CNS và cũng không kế hoạch áp dụng trong tương lai. Những con số trên phần nào chứng minh DN đã và đang dần ý thức hơn về tầm quan trọng trong chuyển đổi số và coi dịch COVID-19 như là động lực thúc ép bản thân DN thay đổi thói quen, ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong sản xuất, kinh doanh.

Có thể lấy Công ty Liên Minh Xanh làm một ví dụ. Thành lập năm 2016, cũng như các DN khác, công ty tập trung kinh doanh chủ yếu theo cách thức truyền thống, không quan tâm nhiều đến công nghệ hay thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, trong 2 năm diễn ra dịch bệnh doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, công ty mới bắt đầu mày mò tìm hiểu về kênh bán hàng này nhưng kết quả cũng không mấy khả quan.

Ông Hồ Đăng Nguyên, Công ty Liên Minh Xanh bộc bạch, không phải DN muốn chuyển đổi số là có thể làm được ngay vì căn bản không biết bắt đầu từ đâu, triển khai như thế nào. Mặc dù trước đó, DN đã xây dựng web, đăng ký gian hàng trên các sàn TMĐT nhưng số đơn hàng vẫn chỉ khiêm tốn 1, 2 đơn/tuần.

 Doanh nghiệp ngày càng ứng dụng công nghệ vào hoạt động

Sau gần 3 tháng bám sát các chương trình hỗ trợ từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hồ Đăng Nguyên mới nhận ra quan điểm chỉ thiết lập web mà không tập trung cho việc tiếp thị và tối ưu hóa quảng bá trên TMĐT hay cách đặt keyword hợp lý… là quan niệm sai lầm. Ngoài ra, bản thân DN cũng không định hình được nên chọn trang TMĐT nào để đẩy mạnh truyền thông thương hiệu mà dàn trải ở hầu hết các trang. Chưa nói, DN chưa đầu tư nhiều cho mẫu mã sản phẩm, việc chăm chút cho hình ảnh, thiết kế gian hàng cũng bỏ ngỏ.

Đó cũng là điều mà Nguyễn Đức Tùng, CEO của Công ty TNHH X10 Digital người trực tiếp “huấn luyện” DN thực chiến trong chương trình hỗ trợ 100 DN chuyển đổi số 100 ngày băn khoăn nhất.

Theo Nguyễn Đức Tùng, DN vẫn coi kênh bán hàng truyền thống là mũi nhọn trong kinh doanh, các kênh TMĐT chỉ là phụ. Trong khi đó, tác động của dịch đã khiến hệ thống kênh phân phối bị đứt gãy, các kênh bán hàng truyền thống không còn phát huy được tác dụng. Nếu không kịp thời thay đổi tư duy thì khó lòng tạo được bứt phá trong kinh doanh.

Vì thế, DN phải bắt đầu với việc thay đổi tư duy, nhất là tư duy của người đứng đầu. Người đứng đầu phải cam kết và theo đuổi đến cùng trong chuyển đổi số, từ đó sẽ tạo ra năng lượng lan tỏa cho đội ngũ nhân sự. Khi nhìn nhận đúng mức trong chuyển đổi số ắt hẳn DN sẽ tập trung nâng cao các kỹ năng về kinh doanh trên từng nền tảng cụ thể, tiếp cận với các hệ thống công cụ hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, hình ảnh thương hiệu.

Bàn đạp từ chính sách

Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Dương Tuấn Anh, các DN vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong DN (15,7%),...

Những rào cản này đang dần được tháo gỡ khi tỉnh đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số DN. Trong đó, chương trình 100 DN chuyển đổi số trong 100 ngày đã thu được những kết quả khả quan. Khi sau 100 ngày bắt tay hỗ trợ gần 70 DN tham gia chương trình đã tăng doanh thu từ 20 đến 50% so với thời điểm trước đó.

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, ngoài những hỗ trợ về kinh phí trực tiếp như: chữ ký số, hóa đơn điện tử… thì việc xây dựng chiến lược đào tạo thực chiến theo hướng bắt tay chỉ việc đã mang lại hiệu quả thiết thực trong chuyển đổi số. Những con số tăng trưởng doanh thu thực tế chỉ là một phần trong kết quả mà chương trình này đạt được. Quan trọng nhất là DN đã và đang ngày càng nhận thức và bắt tay chuyển đổi số một cách thực chất hơn.

Ngoài Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị sở, ngành khác cũng đã bắt tay hỗ trợ DN chuyển đổi số thông qua các kế hoạch hỗ trợ xúc tiến sản phẩm xuyên biên giới, xây dựng các sàn TMĐT… không để DN đơn độc trong tiến trình chuyển đổi số. Điều này khẳng định công tác hỗ trợ DN ngày càng chuyển biến theo hướng hỗ trợ thực chất, bám sát nhu cầu của DN hơn; và là thành quả quan trọng sau 4 năm tập trung tiếp nhận góp ý của DN thông qua việc khảo sát đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI).

Bài, ảnh: Hoàng Loan