Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ thúc đẩy phát triển thương mại của nhiều nước trong thời gian tới. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Trong đó, RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cùng với 5 nước đối tác khác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là khối thương mại lớn nhất thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tổng hợp là 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm 30% GDP toàn cầu. Hiệp định đưa ra mức ưu đãi loại bỏ đến 90% thuế quan giữa các quốc gia thành viên trong vòng 20 năm tới.

Tim Uy, từ nhóm nghiên cứu của Moody’s Analytics cho biết: “RCEP có thể đẩy mạnh gia tăng xuất khẩu, bất chấp những thách thức và hạn chế về chuỗi cung ứng được đưa ra để ngăn chặn đại dịch”.

Các công ty đã và đang thực hiện điều chỉnh để giải quyết những vấn đề hậu cần do đại dịch gây ra. Sự thay đổi này sẽ tiếp tục được duy trì, ngay cả khi vấn đề về chuỗi cung ứng có thể sẽ kéo dài đến năm 2022. Việc loại bỏ phần lớn thuế nhập khẩu đối với hơn 20 quốc gia nên thúc đẩy thương mại trong khu vực và đây sẽ là một trong những thay đổi quan trọng mà các công ty sẽ đưa vào trong năm mới”, ông Tim Uy nhận xét.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các thành viên của Hiệp định RCEP sẽ đạt được mức thu nhập thực tế là 174 tỷ USD trong năm 2030, tương đương 0,4% tổng GDP của các nước. Thêm vào đó, nhà kinh tế Katrina Ell của Moody cũng nhất trí rằng việc cắt giảm thuế quan là một động thái tích cực, song giá trị của thỏa thuận vẫn cần phải có thời gian để được chứng minh một cách rõ ràng hơn.

Được biết, xuất khẩu là trụ cột của của các nền kinh tế Đông Nam Á. Hiệp định RCEP là một bước tiến quan trọng bởi nó giúp loại bỏ các rào cản thương mại và thúc đẩy thương mại tự do nội khối. Đương nhiên, vẫn còn quá sớm để định lượng lợi ích của hiệp định, song đây vẫn là một bước tiến quan trọng để thúc đẩy thương mại giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng cao.

Một điều không chắc chắn là tình hình đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến ra sao và tác động của nó đến chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ như thế nào, nhất là khi các biến thể mới xuất hiện và lây lan rộng, bất chấp các nước trong khu vực đã và đang triển khai thành công các chương trình tiêm chủng quy mô để bảo vệ người dân.

Số ca nhiễm đột ngột tăng cao, đặc biệt là ở phương Tây không phải là sự báo trước tốt đẹp cho tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu mới chỉ bắt đầu. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có khả năng chứng kiến sự gia tăng trong số ca nhiễm COVID-19 mới muộn hơn một chút, bởi thời gian triển khai tiêm chủng và áp đặt các hạn chế chống dịch vẫn còn duy trì. Các quốc gia chưa đạt được khả năng phục hồi cộng đồng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hiện nay, trong tổng số 15 nước tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Campuchia đang đạt tỷ lệ cao về tiêm chủng, với 81% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ các mũi cần thiết, chỉ sau Brunei, Singapore, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Một vấn đề đáng lo ngại là sự xuất hiện của biến thể Omicron làm tăng tính không chắc chắn và rủi ro đi xuống của tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu trong thời gian gần. Sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Mỹ và châu Âu có thể làm giảm đáng kể mức tiêu dùng của hộ gia đình, điều này sẽ dẫn đến tốc độ xuất khẩu yếu hơn ở Đông Nam Á.

Song nhìn chung, Campuchia vẫn tin tưởng rằng với những lợi ích của hiệp định RCEP, cùng với các hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc, xuất khẩu các sản phẩm chủ chốt như hàng may mặc của ASEAN sẽ được thúc đẩy. Đối với Campuchia, Ngân hàng Quốc gia của nước này dự đoán nền kinh tế sẽ tăng trưởng 5% trong năm 2022, khi đại dịch COVID-19 dịu đi và các thỏa thuận thương mại tự do có hiệu lực.

Đan Lê (Lược dịch từ Khmer Times)