Học sinh Trường THCS Nguyễn Chí Diểu bày tỏ ý kiến tại buổi đối thoại trực tuyến
Đừng tạo áp lực cho trẻ
Thực tế, nhiều bậc cha mẹ rất yêu thương, chiều chuộng con cái, tuy nhiên việc tôn trọng, lắng nghe ý kiến của con lại chưa được các phụ huynh quan tâm đúng mức. Tại một diễn đàn trao đổi cùng trẻ em, em Nguyễn Thủy Tiên, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu tâm sự: “Bố mẹ ép em học nhiều quá. Ngoài giờ học ở trường, em còn phải học thêm với gia sư, đi học tiếng Anh tại trung tâm và cả học năng khiếu. Bài tập cứ chất chồng khiến em cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực. Em đã trao đổi với bố mẹ, tuy nhiên không thay đổi được gì”. Ý kiến này nhận được sự đồng cảm của khá nhiều em học sinh tại diễn đàn.
Em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An chia sẻ, em chỉ mong bố mẹ chịu khó lắng nghe mình nhiều hơn. “Có nhiều chuyện ở trường em muốn kể cho bố mẹ nghe nhưng lại bị gạt đi. Bố mẹ cũng không nghe theo những ý kiến của em vì cho rằng trẻ con thì không biết gì”, Tuấn Anh cho biết.
Theo khảo sát “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam” được Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững công bố vào năm 2020, có tới 88,3% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng, mình ít có cơ hội hoặc không có cơ hội để bày tỏ ý kiến trong gia đình hay ngoài xã hội. Chị Nguyễn Quỳnh Chi (phường An Cựu) có con đang học THCS thừa nhận: “Phụ huynh nhiều lúc bao bọc, chăm lo quá, không giao trách nhiệm cho con, không lắng nghe ý kiến của con. Đồng thời cũng bị thành tích, ganh đua với người khác mà o ép con học để đạt điểm cao cho “bằng bạn bằng bè” và phải học vẹt theo những điều có sẵn. Điều này dẫn đến hệ lụy trẻ không dám phát biểu ý kiến, không dám bảo vệ chính kiến, thiếu quyết đoán, để người khác quyết định thay, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em”.
Đại diện Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết, quyền tham gia là một trong bốn nhóm quyền cơ bản của trẻ em được quy định tại Luật Trẻ em 2016. Dù đã được quy định trong luật nhưng nhiều phụ huynh vẫn lờ đi, trong khi con trẻ thì vẫn bất lực khi tiếng nói của mình không được lắng nghe.
Lắng nghe trẻ em nói
Bà Lê Thị Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh chia sẻ, trẻ em cần được thực hiện quyền tham gia và có các kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em. “Khi một đứa trẻ có những kỹ năng để trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình, tham gia đóng góp vào các hoạt động liên quan đến trẻ em, được tiếp cận thông tin phù hợp lứa tuổi sẽ dễ dàng tiếp cận những kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại cho bản thân. Có kỹ năng thực hiện quyền tham gia, trẻ sẽ năng động, có vốn kiến thức sâu rộng hơn về cuộc sống, có thể dễ dàng trình bày ý kiến của mình một cách thuyết phục”, bà Minh Ngọc phân tích.
Nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của toàn xã hội về thực hiện quyền trẻ em, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được được tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của bản thân trong việc bảo vệ quyền trẻ em và những vấn đề mà các em quan tâm, ngày 17-18/12 vừa qua, Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế, Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, Trường THCS Chu Văn An tổ chức đối thoại với trẻ em theo hình thức trực tuyến về việc thực hiện quyền trẻ em (như không bị phân biệt đối xử, xao nhãng, quyền chăm sóc sức khỏe, quyền học tập...) trong giai đoạn dịch COVID-19 đang bùng phát. Tại đây, những ý kiến của các em được lắng nghe, những câu hỏi được giải đáp, và cả những tâm tư, thắc mắc cũng được các em mạnh dạn chia sẻ.
Bài, ảnh: ĐĂNG TRÌNH