Đại dịch và diễn biến của đại dịch vẫn là mối quan tâm của toàn thế giới. Ảnh minh họa: NBC/Tuổi trẻ Online

“Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều những bài nghiên cứu chỉ ra rằng biến thể Omicron đang lây nhiễm và ảnh hưởng đến các cơ quan ở phần trên của cơ thể, không giống các biến thể khác có thể gây ra viêm phổi nặng. Đó có thể được coi là một tin tốt”, Giám đốc quản lý sự cố của WHO Abdi Mahamud cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc quản lý sự cố của WHO Abdi Mahamud, khả năng lây truyền cao có nghĩa là biến thể này sẽ nhanh chóng trở thành biến thể thống trị trong vài tuần tới. Điều này đã làm xuất hiện gánh nặng và mối đe dọa cho nhiều quốc gia có số lượng lớn người dân vẫn chưa được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Khi được hỏi về việc liệu có cần một loại vaccine đặc hiệu cho Omicron hay không, Giám đốc Mahamud cho rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định, song vẫn nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng cần sự phối hợp của toàn cầu, không nên để ngành thương mại tự quyết định.

Trong dòng tin cập nhật về tình hình COVID-19 trên thế giới, tính đến 8h41' ngày 5/1 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận hơn 295,4 triệu ca nhiễm COVID-19, gần 5,5 triệu người đã tử vong do COVID-19 và hơn 256 triệu bệnh nhân đã bình phục. Tuy biến thể Omicron được cho là không gây ra triệu chứng hay ảnh hưởng nặng, song tốc độ lây lan vẫn chóng mặt khiến nhiều quốc gia trên thế giới điêu đứng.

Cụ thể, Mỹ đã lập kỷ lục toàn cầu với việc ghi nhận gần 1 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 mới, báo cáo vào ngày 3/1, theo kết quả kiểm đếm của Reuters. Đây là con số cao gần gấp đôi mức đỉnh quốc gia này ghi nhận chỉ 1 tuần trước khi biến thể Omicron được nhận xét là không có dấu hiệu chậm lại.

Một phân tích của Reuters cho thấy, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện đã tăng gần 50% trong tuần trước và hiện vượt quá 100.000 người. Lần đầu tiên Mỹ đạt đến ngưỡng này là kể từ đợt dịch bùng phát vào mùa đông năm ngoái.

Nhìn chung, trong tuần trước, Mỹ đã chứng kiến trung bình hằng ngày có đến 486.000 ca nhiễm COVID-19 mới – mức tỷ lệ ghi nhận tăng gấp đôi trong 7 ngày và vượt xa bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Cũng đang phải vật lộn với COVID-19, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị ban bố tình trạng bán khẩn cấp ở tỉnh Okinawa do số ca nhiễm tăng cao đột biến, Nhật báo Mainichi ngày 5/1 đưa tin.

Đây là tuyên bố đầu tiên kể từ ngày 30/9, khi Nhật Bản dỡ bỏ tất cả tình trạng khẩn cấp và bán khẩn cấp vốn đã được áp dụng và có hiệu lực từ cuối năm 2021.

Thống đốc Okinawa Denny Tamaki thông tin rằng ông đang xem xét yêu cầu tuyên bố tình trạng khẩn cấp, bao gồm các biện pháp như hạn chế giờ mở cửa của các nhà hàng và quán bar.

Theo Thống đốc Tamaki, 225 trường hợp nhiễm mới ghi nhận vào ngày 4/1 là cao nhất ở Okinawa trong 3 tháng.

Trong khi đó, thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng sẽ đóng cửa vào cuối tuần khi các nhà chức trách đối mặt với tình trạng lây nhiễm gia tăng.

Tuần trước, thủ đô đã đóng cửa các phòng tập thể dục và rạp chiếu phim, cũng như áp đặt giờ giới nghiêm qua đêm.

Được biết, sau làn sóng lây nhiễm gây nên bởi biến thể Delta khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này đạt đến đỉnh điểm hoạt động, hơn 200.000 người đã tử vong trên khắp Ấn Độ do COVID-19 vào mùa xuân năm ngoái.

Với 481.000 ca tử vong mà Ấn Độ đã đưa ra, đây là quốc gia có số ca tử vong do đại dịch COVID-19 cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Brazil.

Đan Lê (Tổng hợp từ CNBC, Worldmeters & CNA)