Quần áo được dự báo sẽ trở thành danh mục thương mại xã hội hàng đầu trên toàn cầu vào năm 2025. Ảnh: Vietnamfinance

Cuộc khảo sát được tiến hành trên 10.053 người tham dự của Accenture ước tính rằng thương mại trên các nền tảng mạng xã hội sẽ tăng từ 492 tỷ USD trong năm 2021 lên 1,2 nghìn tỷ USD vào năm 2025, chiếm 17% tổng chi tiêu cho thương mại điện tử vào thời điểm đó. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy bởi người tiêu dùng Thế hệ Z và Millennial, những người dự kiến ​​sẽ chiếm 62% chi tiêu thương mại trên các mạng xã hội toàn cầu.

Báo cáo cho biết có đến 64% người dùng mạng xã hội được khảo sát đã mua hàng qua các nền tảng này trong năm ngoái, tương đương với khoảng gần 2 tỷ người đã mua sắm thông qua các mạng xã hội trên toàn cầu. Thương mại xã hội đề cập đến toàn bộ trải nghiệm mua sắm, từ khám phá sản phẩm đến thanh toán, diễn ra trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Accenture phát hiện ra rằng khoảng 3,5 tỷ người đã sử dụng mạng xã hội trong năm 2021, và trung bình mỗi người dành 2,5 tiếng đồng hồ để tương tác với nó mỗi ngày. Ông Robin Murdoch, chuyên viên cấp cao tại Accenture, khẳng định trong báo cáo rằng “sự gia tăng đều đặn về thời gian dành cho mạng xã hội phản ánh mức độ quan trọng của những nền tảng này trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng đang định hình lại cách mọi người mua và bán, điều này cung cấp cho các nền tảng và thương hiệu cơ hội mới về trải nghiệm người dùng và nguồn doanh thu”.

Cũng theo Accenture, quần áo sẽ trở thành danh mục thương mại xã hội hàng đầu trên toàn cầu vào năm 2025 (chiếm 18% tổng số thương mại xã hội), tiếp theo là đồ điện tử tiêu dùng (13%) và đồ trang trí nhà cửa (7%). Chăm sóc sắc đẹp và chăm sóc cá nhân, mặc dù nhỏ hơn về tổng doanh số thương mại xã hội, nhưng được dự đoán sẽ nhanh chóng chiếm được vị thế quan trong trên thương mại điện tử và chiếm hơn 40% chi tiêu kỹ thuật số trung bình tại các thị trường chính vào năm 2025.

Nhiều cơ hội cho thương hiệu mới

59% người mua hàng trên mạng xã hội được khảo sát cho biết họ có nhiều khả năng mua hàng từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua thương mại xã hội hơn so với khi mua sắm qua các trang web thương mại điện tử. Hơn nữa, 44% có nhiều khả năng mua hàng từ một thương hiệu mà họ chưa từng gặp trước đó, trong khi 63% nói rằng họ có nhiều khả năng mua lại từ cùng một người bán, cho thấy lợi ích của thương mại xã hội trong việc giúp các thương hiệu mới xây dựng lòng trung thành và thúc đẩy việc trở lại mua hàng.

Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường tiên tiến nhất cả về quy mô và mức độ trưởng thành trong không gian thương mại xã hội, vốn sẽ chiếm 17% tổng số chi tiêu thương mại vào năm 2025. Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao nhất sẽ được nhìn thấy ở các thị trường đang phát triển như Ấn Độ và Brazil. 

Hiện tại, gần 8/10 người dùng mạng xã hội ở Ấn Độ sử dụng thương mại xã hội để mua hàng, theo báo cáo của Accenture. Người dùng từ Ấn Độ có khả năng bán hàng trên các nền tảng xã hội cao hơn gấp đôi so với người dùng ở Mỹ và Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, một nửa số người được hỏi trên mạng xã hội cũng bày tỏ lo ngại rằng các giao dịch mua sắm trên mạng xã hội sẽ không được bảo vệ hoặc hoàn tiền đúng cách. Mối quan tâm khiến lòng tin trở thành rào cản lớn nhất đối với thương mại xã hội, một rào cản quen thuộc mà thương mại điện tử phải đối mặt ngay từ những ngày đầu tiên.

Ông Oliver Wright, Trưởng nhóm Dịch vụ và Hàng tiêu dùng Toàn cầu tại Accenture nói thêm: “Những người chưa sử dụng thương mại xã hội cho biết một lý do khiến họ bị kìm hãm là họ thiếu tin tưởng vào tính xác thực của người bán trên mạng xã hội, trong khi những người thường xuyên sử dụng thương mại xã hội k chỉ ra các chính sách kém về trả hàng, hoàn tiền…”. Do đó, ông cho rằng dù niềm tin là một vấn đề cần nhiều thời gian để khắc phục, nhưng những người bán hàng tập trung vào những lĩnh vực này sẽ có vị trí tốt hơn để tăng thị phần

Tố Quyên (Lược dịch từ Japan Times)