Mấy chục năm trước, mỗi lần về làng là bao vất vả bởi đường đi lại khó khăn, nhất là khi mùa mưa đến. Phương tiện chủ yếu bấy giờ là xe đạp. Từ Huế ra làng tôi chưa tới 50km, nhưng có khi đạp xe mất gần cả buổi. Đường thì lắm ổ gà, ổ voi, nhất là đoạn đường xã về đến làng bùn lầy lội, có nơi trũng lún, phải dắt xe trầy trật, dắt không nổi thì cho luôn lên vai để vác. Họ tôi chạp vào dịp cuối năm, gió mùa đông bắc tràn về lạnh lắm nhưng bà con nội ngoại, gái trai dù ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và có người ở tận nước ngoài đều cố gắng thu xếp để về quê.

Quê nội và quê ngoại tôi đều ở cùng một nơi - thôn Phú Lộc, xã Phong Chương. Mới hai tuổi, tôi được cha mẹ đưa vào Huế sinh sống. Khi quê hương hoàn toàn giải phóng, lúc đó chỉ hơn mười tuổi, tôi nao nức được về làng, vì lâu nay chỉ nghe kể về chỗ này, nơi kia gắn với những năm tháng dãi dầu của người thân thời bấy giờ. Rồi vào dịp nghỉ hè tôi cũng được về làng, mà không phải bằng xe đạp mà đi đò. Đò lúc đó đậu ở dưới bến sông gần cầu Gia Hội. Lần đầu được đi đò lớn có gắn máy cứ ngỡ là đò chạy nhanh, nào ngờ cứ ì à, ì ạch. Đò dần xa thành phố, không gian yên ắng, chỉ nghe tiếng ù ù phát ra từ đò máy xen lẫn với những lời chuyện trò râm ran của hành khách. Lâu lâu mới có chiếc đò chạy ngược chiều làm chiếc đò tròng trành đánh thức mấy o, mấy dì đang ngủ gà, ngủ gật. Qua đầm phá Tam Giang, đò chạy men bên những dải cát trắng trải dài tăm tắp. Hết ghé bến này đến đỗ bến kia, cho đến xế chiều, đò cũng đã cập bến. Trên bờ, ông ngoại tôi đã chờ sẵn để đón. Lâu lắm rồi, ông cháu mới gặp nhau nên vui mừng lắm.

Đi qua mấy cánh đồng, mấy cồn, rồi băng qua mấy khu vườn hoang um tùm cỏ dại là đến nhà ngoại. Ngôi nhà tranh vách đất phải chằng chống chỗ này, che chắn chỗ kia nhưng ngoại chưa có dịp để làm lại. Bà ngoại hy sinh khi ông ngoài bốn mươi tuổi, ông ở vậy nuôi các cậu và dì tôi. Người dân ở làng chủ yếu nương nhờ vào cây lúa, vườn thì trồng thêm khoai, sắn; nuôi heo, gà, vịt… Nước uống thì lấy ngay ở hói (kênh), mà phải lấy lúc sáng sớm để nước được trong và sạch hơn, hoặc chống ghe ra dòng Ô Lâu. Mấy lần, tôi theo ngoại đi lấy nước, chiếc ghe lướt thoăn thoắt, luồn lách qua từng con hói nhỏ, dưới những dãy tre uốn mình răng rắc trong gió chiều. Đôi bàn tay gân guốc, chai sạn với tấm thân trần đen cháy mới thấy được nỗi vất vả, gian truân của ngoại.

Tôi ra vườn để coi ngoại làm, rồi phụ giúp gom nhặt những nhánh củi khô để về đun hoặc nhổ cỏ dại trong luống cải, luống rau. Thú nhất là đi bắt cá cùng chúng bạn. Thấy có vũng nước ở ruộng hoặc ở cồn thì mò tay cũng kiếm được vài con cá rô, hay cá thia tho. Chỗ nào nước sâu, khó bắt cá thì đắp bờ để tát. Dọc bờ ruộng cá cũng nhiều, cá lóc to phóng và trườn rất nhanh, tôi lao theo làm hư mấy bụi mạ non. Chán bắt cá thì đi câu. Loại cá rô, cá thát lát rất tạp ăn, cứ thế mà giật lia lịa. Trưa nóng thì nhảy xuống hói tắm, tha hồ mà hụp, mà lặn...

Cũng sắp đến ngày chạp họ, đường sá và các điều kiện khác rất thuận lợi nhưng do dịch bệnh nên không thể gặp mặt đông đủ bà con. Nhiều cuộc điện thoại từ phương xa thăm hỏi tình hình quê hương và cầu mong một ngày không xa nữa, dịch bệnh sẽ được khống chế, đẩy lùi để cùng nhau sum vầy. Đó là nén hương lòng của bà con hướng về cội nguồn, về với mái ấm quê nhà.

LINH THIỆN