Đại dịch COVID-19, bão lũ và các quan hệ phức tạp của đời sống nhân sinh đã không lọt khỏi tầm nhận thức và cơn khát thẩm mỹ-nhân văn của từng chủ thể sáng tạo. Cái mới của giải thưởng lần này là tất cả các tác phẩm đều toát lên cái nhìn đạo đức và tính tích cực công dân mang tính nghệ thuật cao theo đặc trưng riêng của từng loại hình nghệ thuật. Đó là thành tựu và giá trị tổng thể của giải thưởng năm 2021.
Ba tác phẩm dự giải năm nay của Hội Mỹ thuật với 3 chủ đề và 3 phong cách nghệ thuật khác nhau, chất liệu truyền thống cũng khác nhau nhưng đều thể hiện ý nghĩa hiển minh và hàm ẩn sâu sắc, tạo nên mối quan hệ hài hòa giữa chủ thể thẩm mỹ và khách thể thẩm mỹ (Lê Bá Cang với bức tranh Chốn thành quách xa mờ - sơn mài; Đỗ Văn Lân với tác phẩm Sò Đo cam - khắc gỗ và tác phẩm Hộ pháp 1 của Nguyễn Thị Huệ).
Hội Nhiếp ảnh năm nay cân nhắc và thống nhất chọn 3 tác phẩm đạt chất lượng cao để tham gia xét giải; trong đó, tác phẩm ảnh màu Thầy thuốc quân hàm xanh của Hoàng Văn Phước (giải khuyến khích ảnh nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2021 và giải ba cuộc thi nét đẹp lao động năm 2021) thể hiện sự hy sinh thầm lặng của người thầy thuốc vượt qua gian khổ để khám bệnh và điều trị cho Nhân dân. Tác phẩm Im lặng - ảnh chân dung trắng đen của Ngô Thanh Minh (giải khuyến khích triển lãm quốc tế tại Việt Nam 2021) lại có vẻ đẹp ở chiều sâu nội cảm của hình tượng, ở sức ám gợi thị giác thông qua ngôn ngữ ẩn dụ của nghệ thuật nhiếp ảnh chân dung đặc sắc. Có duyên với các giải thưởng quốc tế, năm nay, Hồ Ngọc Sơn lại được hội đồng bình chọn tác phẩm ảnh màu Nghệ sĩ xiếc, huy chương đồng tại Cuộc thi ảnh quốc tế lần thứ 2 ở Malaysia để trao giải.
Hội Nghệ sĩ múa góp 2 tác phẩm dự giải đều có cùng chủ đề biển đảo. Đó là Tổ quốc nơi đầu sóng của Mai Trung, âm nhạc Thanh Hải và Vượt sóng của Nguyễn Thị Ánh Hồng, âm nhạc Xuân Phương. Tổ quốc nơi đầu sóng là thành công từ nghệ thuật tạo dựng không gian và thời gian mang tính biểu trưng...
Hội Âm nhạc, được Hội đồng nghệ thuật bình chọn 3 ca khúc với 3 chủ đề khác nhau. Ca khúc Em ở nơi đâu của Nguyễn Đức Thanh (thơ Lê Tự Minh) viết về chủ đề chiến tranh sau chiến tranh với ca từ và giai điệu trữ tình. Ca khúc Còn mãi thiên thu của nhạc sĩ Trần Hữu Dàng với chủ đề tình yêu và giai điệu T. de slow đã trực tiếp tạo được sự tiếp nhận thẩm mỹ trong người thưởng thức. Tác giả diễn tả một tình yêu tinh khôi như đóa hoa đầu mùa hé nở giữa tim mình, đem lại cho thính giả nhiều suy cảm mới mẻ. Tác phẩm thứ 3 đạt giải là Giao hưởng thơ Trường Sa và mẹ của Lê Quang Vũ. Được mở đầu bằng chất liệu âm nhạc hò Huế, sử dụng thủ pháp phức điệu cùng với phối khí đối đáp của các nhạc cụ, có thể nói đây là giao hưởng thành công, được kiến trúc bằng nghệ thuật âm nhạc của Lê Quang Vũ.
Hội Văn nghệ dân gian năm nay xét chọn 2 công trình nghiên cứu để gửi Liên hiệp Hội bình xét. Đó là Hương sắc bánh, mứt, xôi, chè Huế của Trần Nguyễn Khánh Phong và Dèng, hoa văn dèng - biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi của Kê Sửu. Với tâm huyết và thao tác luận nghiên cứu, Kê Sửu đã nhiều năm điền dã, sưu tầm, hệ thống để nghiên cứu, hoàn thành công trình Dèng, hoa văn dèng - biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi.
Về văn học, tác phẩm Sông nói cuộc vô thường của Phạm Nguyên Tường xứng đáng nhận giải thưởng của Liên hiệp Hội bởi hiện thực đầy tính thế sự - nhân sinh được phản ánh trong tác phẩm cùng với diễn ngôn mang đầy chất thơ và chất nghiệm sinh, triết mỹ.
Thật lâu, lần này, Hội có cơ hội xét tặng giải thưởng cho tác phẩm nghiên cứu, phê bình thơ. Ở đây lại là thơ trên kiến trúc cung đình Huế của các vua quan triều Nguyễn nên tính hấp dẫn lại càng cao và thông điệp lại càng mới và khác. Đó là công trình Thơ vua và suy ngẫm của Nguyễn Phước Hải Trung. Toàn công trình, có 22 bài viết về thơ các vị vua triều Nguyễn, theo tôi, là chìa khóa đúng đắn và tối ưu khi tham gia phê bình và đối thoại, nhất là với văn học Hán - Nôm và Trung đại - lĩnh vực cần phải tra cứu.
Hồ Thế Hà