Thủy Thanh được đánh giá có các ngành nghề dịch vụ, du lịch đang có chiều hướng phát triển
Xã Thủy Thanh có diện tích 8,49km2 với có 9 thôn, tổng dân số 10.215 người. Ngoài 5 trường học, 2 HTX nông nghiệp, 1 trạm y tế, trên địa bàn xã có 5 di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia. Giai đoạn 2017 - 2019, xã được UNESCO công nhận 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn của ASEAN. Năm 2015, địa phương được công nhận đạt chuẩn NTM.
Qua thẩm định một số tiêu chuẩn về dân số, diện tích tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và yếu tố đặc thù, ngoài nông nghiệp, xã Thủy Thanh được đánh giá có các ngành nghề dịch vụ, du lịch đang có chiều hướng phát triển; đời sống Nhân dân khá ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm; năng suất lúa hàng năm đạt từ 135-140 tạ/ha; hộ nghèo giảm; kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư, nâng cấp; địa phương tự cân đối được thu chi ngân sách; phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã trở thành ý thức, ăn sâu vào nếp nghĩ nếp làm của đại bộ phận người dân, góp phần không nhỏ giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, khởi sắc.
Từ sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trên địa bàn, xã Thủy Thanh đã xuất hiện nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường, các công trình công cộng, như: tập thể người dân thôn Thanh Thủy hiến hơn 4.500m2, cá nhân anh Lê Đình Hùng (thôn Thanh Tuyền) hiến gần 500m2… Cũng từ sự đồng lòng này, hiện 19/19 thôn của xã đã được lắp đặt camera an ninh, 50% đường làng, ngõ xóm bắt điện chiếu sáng… tất cả kinh phí đều do người dân chung tay.
Những thành quả trên cộng thêm vừa được thăng hạng là đơn vị hành chính cấp xã loại I, Thủy Thanh đang có nhiều thuận lợi trong hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu và trở thành phường. Tuy vậy, để hoàn thành mục 2 mục tiêu trên, Thủy Thanh phải giải quyết được một số vấn đề liên quan đến kinh phí đầu tư, môi trường, đường giao thông… và nhất là 2 tiêu chí trong xây dựng NTM kiểu mẫu: không còn hộ nghèo đa chiều và không có người dân vi phạm pháp luật 3 năm liên tiếp.
Theo ông Trần Duy Việt, Chủ tịch UBND xã Thủy Thanh, đây là 2 tiêu chí rất khó để hoàn thành. “Hiện địa phương còn 14 hộ nghèo, đa phần rơi những hộ già yếu, neo đơn, mất sức lao động, nên dù những người này cố gắng lao động nhiều hơn để tăng thu nhập thì vẫn “lực bất tòng tâm”. Còn chuyện không có người dân vi phạm pháp luật 3 năm liên tiếp chủ yếu vẫn là từ nhận thức của mỗi cá nhân, chưa kể “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, hoặc một chút bất cẩn, hoặc một lúc không kiềm chế được bản thân thì cũng dễ dẫn đến vi phạm pháp luật”, ông Việt chia sẻ.
“Giải pháp trước mắt, bên cạnh đảm bảo an sinh xã hội, huy động các nguồn lực trợ giúp người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp xóa đói, giảm nghèo như: hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, tạo việc làm..., địa phương tiếp tục huy động toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc để tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành nghiêm những quy định của pháp luật. Ngoài thành lập các tổ thanh niên tự quản ở mỗi thôn, các lực lượng, đoàn thể sẽ thường xuyên đi về cơ sở, lồng ghép nội dung liên quan đến xây dựng NTM kiểu mẫu và trở thành phường trong những lần trò chuyện, chia sẻ tâm tư nguyện vọng với từng người dân, với những người có uy tín trong họ tộc...”, ông Việt nói.
Bài, ảnh: Hàn Đăng