Độc đáo khẩu trang có khe hở để người dùng vừa có thể thưởng thức đồ ăn, thức uống, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Ảnh minh họa: Reuters/Tuổi trẻ Online

Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đã thúc đẩy các nhà khoa học, nhân viên y tế, kỹ sư và nhiều người bình thường khác trên khắp thế giới đưa ra những ý tưởng hay để thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Một số cải tiến thậm chí có thể tiếp tục được sử dụng rất lâu sau đại dịch.

Ăn uống an toàn

Kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh hơn, QR Menu trở thành một giải pháp thay thế hằng ngày, với hiệu quả về chi phí, thay cho những menu truyền thống chứa nhiều bụi bẩn. Các chủ khách sạn cho biết, tiện ích của loại hình menu này là đặt hàng nhanh hơn, thanh toán nhanh hơn, ít xảy ra lỗi và có nhiều thời gian hơn để các nhân viên thực hiện các công việc khác.

Bên cạnh đó, ở một quán bar của Hàn Quốc, khách hàng có thể được chào đón và phục vụ bởi một con robot mặc vest, thắt nơ, rót rượu thuần thục trong thời gian ngắn hơn nhiều so với những gì một người phục vụ truyền thống có thể thực hiện. Ở những nơi khác, một cánh tay robot được sử dụng để thay con người pha chế rượu và cocktail. Có thể nói rằng, các doanh nghiệp đã và đang chào đón khách hàng đến với quán bar trong kỷ nguyên COVID-19, nơi robot giúp giảm thiểu tiếp xúc giữa người với người tại các địa điểm công cộng đông đúc.

Một số nhà hàng ở châu Âu sử dụng “bong bóng” để phục vụ các bữa tối không có virus. Chúng có nhiều hình dạng, như đèn chụp bằng nhựa khổ to, hình nón cỡ lớn hoặc mái vòm đôi, tạo thành bức tường ngăn cách bảo vệ xung quanh thực khách.

Đối với những người vẫn đeo khẩu trang trong khi ăn hoặc uống, họ có thể sử dụng khẩu trang có hình miệng. Được thiết kế bởi hãng công nghệ Avtipus Patents and Invention có trụ sở tại Israel, khe hở dùng để ăn có thể được mở ra bằng tác động cơ học hoặc tự động. Trong đó, khe hở được mở ra trong vòng vài giây để người dùng đưa thức ăn vào miệng và đóng lại khi người đó đang nhai.

Giao hàng an toàn

Tại Mỹ, các robot nhỏ đang được sử dụng để giao thực phẩm trong một số khuôn viên của các trường đại học. Dịch vụ này được thúc đẩy bởi nhu cầu giao hàng không tiếp xúc và thiếu hụt lao động.

Bang Karela của Ấn Độ đã tạo ra một ứng dụng nhận rượu có tên BevQ, cho phép khách hàng lựa chọn rượu từ thực đơn. Sau đó, họ có thể đến lấy rượu tại các cửa hàng bán rượu do nhà nước quản lý ở địa điểm gần nhất, trong một khung giờ cố định để tránh tình trạng đông đúc.

Máy ATM gạo của Việt Nam cũng được đề cập đến như một phương án có thể tồn tại, sử dụng lâu dài kể cả sau đại dịch. Máy phát gạo tự động 24/7 phát gạo miễn phí cho người nghèo, trong thời điểm họ không có việc làm khi đất nước phong tỏa để chống dịch.

Chăm sóc sức khỏe thông minh hơn, nhanh hơn

Các bệnh viện trên toàn thế giới đã chứng kiến cảnh hỗn loạn trong năm 2020, song cũng đã sớm áp dụng các ứng dụng đặt lịch khám bệnh để quản lý bệnh nhân.

Các chính phủ cũng buộc các công ty khởi nghiệp sử dụng máy bay không người lái thương mại để vận chuyển vật tư y tế, thuốc viên và đồ dùng cho bệnh nhân trong diện cách ly ở các quốc gia bao gồm Mỹ, Anh và Hàn Quốc...

Tái sử dụng, tái chế

Tại Ấn Độ, Binish Desai, 27 tuổi đã nghĩ ra ý tưởng tái chế khẩu trang sử dụng một lần và thiết bị bảo hộ cá nhân thành gạch. Gạch bền vững 2.0 nhẹ hơn, song lại mạnh hơn so với gạch men và gạch đất sét. Bên cạnh đó, gạch tái chế loại này cũng có khả năng chống cháy và chống thấm nước. Nó cũng có giá thấp hơn 1/3 so với giá mua gạch thông thường.

Những người thợ làm bánh Việt Nam cũng rất sáng tạo khi làm ra bánh mì thanh long để sử dụng hết số trái cây không thể xuất khẩu sang thị trường chính của đất nước là Trung Quốc, trong bối cảnh các hạn chế chống dịch COVID-19 vẫn được áp dụng...

Bên cạnh nhiều ý tưởng khác, được áp dụng trên đa dạng các lĩnh vực bao gồm du lịch, giáo dục..., có thể nói rằng, từ khi đại dịch xuất hiện, cuộc sống đã trở nên đa dạng hơn với các ý tưởng mới để đối phó, sống chung với đại dịch.

Đan Lê (Lược dịch từ StraitsTimes News)