Nghề đóng tàu không chỉ để mưu sinh mà còn níu giữ nghề của ông cha để lại |
Ông Nguyễn Lãm cho biết: “Hiện nay, một số người có điều kiện kinh tế đầu tư mặt bằng làm bãi đà để mở dịch vụ thuê các nhóm thợ đóng tàu. Riêng tụi tui vì không có điều kiên kinh tế nên chỉ là người làm thuê tính theo ngày công.
|
Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi mới gặp được những người thợ đóng tàu lưu động lúc đang đóng chiếc tàu có trọng tải 50 tấn tại bãi đất trống ở thôn Tân An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang)…
Nối nghiệp
Vừa đặt chân đến bãi đất trống cạnh đình làng Phú Mỹ (thôn Tân An) đã nghe tiếng rền vang tiếng búa, tiếng đục và máy cưa. Đến tận trưa, khi nhóm người này vừa ngơi tay, uống chén nước giải khát thì chúng tôi mới có dịp chuyện trò. Mở đầu câu chuyện ông Nguyễn Lãm (55 tuổi, khu vực 4, thị trấn Phú Lộc) bảo: “Nói đội đóng tàu cho vui chứ tụi tui chỉ là một nhóm anh em làm nghề đóng tàu, khi có việc lại gọi nhau đi làm, tiền công chia đều chứ chẳng có đội trưởng, đội phó chi cả. Nhóm tụi tui có thâm niên trong nghề này rồi”.
Trong nhóm thợ này, người có thâm niên ít nhất cũng ngót nghét 20 năm, còn những thợ kì cựu (bậc 1) thâm niên cả nửa đời người. Tuổi thơ họ gắn liền với sông nước, ký ức là những ngày tháng ngồi ở mép mạn thuyền cầm đục, cầm búa xem ông bà, cha mẹ đóng những con đò, chiếc gọ nhỏ. Đóng tàu chẳng học sách, học vở, chỉ nhìn ông bà, tổ tiên làm nghề này thế nào thì làm lại như vậy. Chỉ thế thôi nhưng bằng bàn tay chai sần, những con tàu được họ tạo ra cứ ngỡ như đã qua trường lớp. “Nhà tui ba đời đóng tàu. Hồi xưa, chỉ đóng thuyền nhỏ. Khách hàng thường tìm tận đến nhà và đưa vật liệu đến đóng ngay tại nhà, phí đóng tàu được tính bằng vàng. Ông, cha ngồi đóng mình ngồi cạnh coi, rứa là biết nghề. Tui học bằng cặp mắt và đôi bàn tay, chẳng có bí quyết chi cả. Sau này đóng tàu to cũng dựa trên cơ sở đóng ghe, thuyền nhỏ lúc trước. Có khác biệt đôi phần nhưng tương tự như rứa”, ông Lãm tâm sự.
Khi nghề cá ngày càng phát triển, đặc biệt nghề đánh bắt xa bờ cũng là lúc nhu cầu đóng mới tàu cá của nhiều bà con ngư dân tăng lên. Những người thợ giỏi nghề vì thế càng có cơ hội phát triển. Để đóng được tàu, họ chỉ cần một bãi đất trống, bãi đà có địa thế thuận lợi, cạnh vùng nước sâu để khi tàu hạ thủy không bị mắc cạn. “Tụi tui làm lưu động, bất cứ chủ tàu mô có nhu cầu thì đến làm. Nếu những nơi đó không có bãi đà thì tận dụng những bãi đất trống để làm. Trước khi đóng, chủ tàu thường chuẩn bị mẫu thiết kế và mua nguyên vật liệu trước, tụi tui chỉ việc đóng. Với kinh nghiệm của mình, đến nay chưa có một chủ tàu nào phàn nàn sau khi chiếc tàu hạ thủy vươn khơi”, ông Nguyễn Song (56 tuổi, khu vực 1, thị trấn Phú Lộc), người có thâm niên 40 năm đóng tàu chia sẻ.
Vất vả, nhưng thu nhập khá
Mỗi năm, những người thợ trong nhóm đóng tàu lưu động của ông Lãm, ông Song đóng mới từ 5 đến 7 chiếc, có năm 10 chiếc. Theo ông Lãm, hiện nay có khoảng 3 nhóm đóng tàu lưu động, thu hút hàng chục lao động, trong số đó, nhóm của ông có số lượng đông nhất.
Quanh năm suốt tháng, những người thợ đóng tàu cứ di chuyển liên tục khắp các miệt biển để làm việc, da dẻ ai nấy mặn mòi mùi biển. Ông Mai Diễn (63 tuổi, khu vực 4, thị trấn Phú Lộc), bày tỏ: “Đóng tàu là công việc vất vả, nặng nhọc. Ngoài tay nghề, chỉ những người có sức vóc, kiên trì mới làm được. Đổi lại thu nhập cũng tương đối khá. Như tui, hơn 20 năm trong nghề, thuộc loại thợ bậc 2, mỗi tháng cũng kiếm được 8 đến 9 triệu đồng, còn thợ bậc 1 thì nhiều hơn. Là nghề gia truyền nên quyết tâm lưu giữ, nếu không, có lỗi với tổ tiên lắm. Tuy vất vả nhưng sau mỗi lần làm việc, nhìn những con tàu mình đóng cùng ngư dân rẽ sóng vươn khơi là một niềm hạnh phúc lớn lao”.
“Nghề đóng tàu chẳng khác chi nghề thợ nề ở nông thôn, chỉ thỏa thuận miệng với chủ, đóng xong họ trả công theo ngày. Các thợ đến tận nơi để đóng nên chủ tàu tiết kiệm được một phần chi phí đi lại. Mặc dù chẳng có ràng buộc chi về mặt pháp lý, nhưng mấy chục năm đi đóng tàu, chưa lần nào có mâu thuẫn với chủ tàu”, ông Lãm chia sẻ.
Ông Song bảo, theo cái nghiệp này là “rước” vất vả vào thân. Mùa nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 35-400C nhưng cũng phải trần mình bên đống lửa để uốn cong những tấm ván, lắp vào khung tàu. Những tấm gỗ đôi khi nặng đến cả tấn nhưng phải cắn răng đỡ. Những lần sơ suất để gỗ đè tay, đè chân dẫn đến bị xây xát, sưng, bong gân là thường xuyên. Và có những lúc làm xong một công đoạn, chủ tàu chưa hài lòng thì phải làm lại từ đầu.
Trong vô vàn ký ức, đáng nhớ nhất là những chuyến đi sửa chữa, đóng tàu ở các tỉnh bạn. Ông Nguyễn Song tâm sự: “Tụi tui thường đóng tàu công suất từ 400CV trở lên. Mỗi chiếc tàu đóng xong chí ít cũng mất hơn một tháng, việc xa nhà là “cơm bữa”. Có chuyến đi ra tận Quảng Ninh đóng tàu du lịch, đóng xong mất gần 4 tháng trời. Còn đi đóng tàu cá ở các tỉnh lân cận như Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam thì rất nhiều. Cứ mỗi lần đi xa là nhớ nhà da diết; song cũng cắn răng chịu đựng. Nếu nhớ mà bỏ về thì tiền mô nuôi vợ, nuôi con. Ở nhà có việc chi quan trọng thì về đôi hôm, chứ đi xa mà về thường xuyên không khéo công đóng tàu chỉ đủ tiền xe”.
Bài, ảnh: Lê Thọ