Tôi cũng là một trong số những khách hàng đầu tiên cài App khi đọc được thông tin từ facebook cá nhân của Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định. Chỉ sau vài giây, việc cài đặt hoàn tất. Tôi lướt và chọn, vài phút sau đã có điện thoại từ Ban quản lý chợ để xác nhận đơn hàng, việc còn lại là chờ nhận. Càng ngạc nhiên hơn nữa, khi shipper (người giao hàng) còn là thành viên của Ban quản lý chợ. Họ nhanh nhạy, nhiệt tình trong bộ đồ mưa, với lớp khẩu trang kín mít nhưng ánh mắt vẫn cười thân thiện với khách hàng.

Ở App này, tôi cũng mua được nhiều thứ từ rau củ quả tươi đến thịt cá, các nhu yếu phẩm hàng ngày. Gần đây còn là các loại bánh trái, mứt tết phong phú mà giá cả cũng phải chăng. Thích hơn nữa là tôi không còn phải lo canh giờ thấp điểm của App các siêu thị để đặt hàng. App chợ Đông Ba một phần vì mới, nhiều người chưa biết, phần vì thói quen đi chợ truyền thống của nhiều người dân và tiểu thương chưa thể thay đổi một sớm, một chiều nên không quá tải như một số ứng dụng mua sắm trực tuyến của một số siêu thị trên địa bàn.

Từ “đi chợ hộ”, Ban Quản lý chợ Đông Ba phát triển thành ứng dụng mua sắm trực tuyến đã cho thấy cách làm hay, năng động, dám nghĩ dám làm của Ban quản lý chợ. Đây cũng là cách hiệu quả nhất để tiến tới xóa bỏ văn hóa “nói thách”, hét giá - rào cản lớn nhất khiến nhiều người e dè khi đến chợ Đông Ba, nhằm xây dựng chợ Đông Ba ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Theo lãnh đạo TP. Huế, sắp tới App chợ Đông Đông sẽ còn được xem xét để đưa vào ứng dụng Hue-S để người dân tiếp cận và sử dụng nhiều hơn, sau khi đã điều chỉnh một số tồn tại trong quá trình sử dụng để phù hợp hơn với các đối tượng khách hàng.

Cùng với ứng dụng Mobile Money (tài khoản được mở trên điện thoại di động) mà chợ Cồn (Đà Nẵng) triển khai và hiện là App chợ Đông Ba đưa vào sử dụng cho thấy công nghệ số đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực của đời sống và các chợ truyền thống cũng không ngoại lệ. Có thể ban đầu người dân còn chút bỡ ngỡ, song, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động có kết nối mạng internet là xu hướng tất yếu. Không chỉ người trẻ, mà những người lớn tuổi và chưa thành thạo với smartphone cũng dần làm quen và sử dụng được các ứng dụng đặt hàng qua mạng, thanh toán online. Từ thanh toán hóa đơn điện nước, điện thoại, học phí cho con đến ăn vặt, cà phê, đi lại… và bây giờ là đi chợ online, có thể thấy các ứng dụng đã giúp cuộc sống của người dân ngày càng dễ dàng và thuận tiện hơn; chỉ cần ở nhà và dùng App là có thể “mua cả thế giới” - như trend của những bạn trẻ.

Rõ ràng, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, thương mại, tiêu dùng… là xu hướng chung của thế giới. Rồi đây, không chỉ chợ lớn như Đông Ba mà những chợ nhỏ hơn, chợ huyện và thậm chí là chợ làng cũng sẽ dần ứng dụng công nghệ thông tin để lên sàn thương mại điện tử. Người dân sẽ càng được lợi hơn khi ngoài giá cả được công khai, minh bạch còn thêm nhiều lựa chọn phương thức đi chợ. Đó cũng là cách tốt để giáo dục con cái, nhất là với các bé trai, bé gái về công việc nội trợ, bếp núc. Bởi đó cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

TÂM HUỆ