Một góc sân nhà vườn An Hiên
Nhà vườn An Hiên nổi tiếng nhưng có giai đoạn, vì nhiều lý do từng xuống cấp, hư hỏng theo thời gian. Vài năm trở lại đây ngôi nhà được xem như tác phẩm nghệ thuật ấy đã được hồi sinh, mở cửa để đón du khách quay trở lại tham quan. Nhiều đoàn làm phim cũng chọn không gian này trở thành bối cảnh cho những cảnh quay của mình và được nhiều đạo diễn tấm tắc, rằng đó là nơi “thời gian như lắng đọng”.
Vừa dừng xe ở phía trước, cánh cổng rêu phong cổ kính hiện ra, tạo cho du khách sự tò mò nhất định về những gì tồn tại ở bên trong đó. Bước qua cánh cổng với hàng chè tàu thẳng tắp, một cảm giác bình yên, thư thả bởi một mảng xanh của hoa trái đan xen, rợp lối đi từ ngoài vào bên trong ngôi nhà rường ba gian hai chái nằm khuất sau bức bình phong.
Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, bởi chủ nhân Phạm Đăng Thập - một vị quan triều Nguyễn, đến năm 1934, nhà vườn An Hiên được quan tuần phủ Nguyễn Đình Chi mua lại làm nơi sinh sống của gia đình mình. Khi ông qua đời, vợ là bà Đào Thị Xuân Yến vẫn tiếp tục sống và dày công “kiến tạo” khu vườn mang đặc trưng xứ Huế. Tổng thể ngôi nhà vườn nổi tiếng với diện tích hơn 6.000m2 này hướng ra sông Hương.
Bạn trẻ chụp hình kỷ niệm ở đường dẫn lối vào ngôi nhà
Chủ nhân nhà vườn An Hiên - bà tuần phủ Nguyễn Đình Chi - là một nhân vật lịch sử gắn liền với những năm tháng đấu tranh cho hòa bình, thống nhất ở Huế. Bà vốn người Bình Định, ra Huế học ở Trường nữ trung học Đồng Khánh nhưng bị đuổi học vào cuối thập niên 20 của thế kỷ 20 vì bãi khóa. Sau này, bằng tài năng, học vấn tài giỏi bà đã trở thành hiệu trưởng của trường này (1952-1955).
Bà là người phụ nữ đầu tiên ở miền Trung đậu tú tài Tây, giỏi tiếng Pháp, biết tiếng Anh và chữ Hán. Bà từng là Phó Chủ tịch Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ, hòa bình TP. Huế, ủy viên Hội đồng Cố vấn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau ngày thống nhất 1976.
Đến năm 1997, bà qua đời, những người thừa kế ở xa, không có cơ hội chăm sóc nên ngôi nhà vườn ấy cứ thế xuống cấp, hư hỏng, những hiện vật quý trong ngôi nhà cũng thất lạc. Cho đến năm 2018, người thân trong gia đình đã quyết định “nhượng” lại ngôi nhà vườn đặc sắc ấy cho một công ty có trụ sở ở Hà Nội.
Thời điểm đó, rất nhiều người yêu Huế, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa đã không khỏi lo lắng rằng ngôi nhà vườn ấy khi về tay chủ mới sẽ bị chuyển đổi công năng, thương mại hóa, hoặc một mục đích nào khác. Tuy nhiên, rất may không lâu sau tất cả đã thở phào nhẹ nhõm khi chủ nhân mới đã đưa ra quyết định giữ nguyên vẹn hiện trạng ngôi nhà và tiếp tục phục hồi giá trị. Trong đó, chú trọng giữ nguyên gian thờ của chủ nhân cũ để tạo hồn cốt, giữ lại giá trị xưa cũ cho ngôi nhà.
Không dừng lại đó, những hiện vật nội thất bên trong ngôi nhà đã được chủ nhân mới cất công tìm lại. Trong đó có hai bức hoành phi quý giá, những phiến cẩm thạch đỡ cột nhà, bát nhang, vật dụng sinh hoạt bằng đồng, sứ… được quy cố hồi hương, trở về lại chốn xưa. Bên ngoài vườn, những gốc cây ngô đồng, bạch mai, hải đường, trà my, thanh trà, xoài, măng cụt, hồng… cũng được chăm nom, tạo nên một ngôi vườn mộng mơ. Hiện nay, theo chủ nhân mới, họ không đặt nặng doanh thu mà mong muốn sẽ bảo tồn lại giá trị lịch sử hiếm có của ngôi nhà vườn.
Bài, ảnh: NHẬT MINH