Huế đón năm mới 2022 bằng lễ Ban Sóc. Thời Huế còn là Kinh đô, lễ phát lịch của triều Nguyễn được tổ chức vào cuối năm. Sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn xong, lịch được tiến Cung để cho Hoàng gia dùng, phát cho các quan ở Kinh thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. Lễ Ban Sóc ban đầu được tổ chức ở sân điện Thái Hòa, từ năm 1841, vua Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân.

Lễ Ban Sóc được tái hiện qua hình thức sân khấu hóa tại Ngọ Môn vào sáng 1/1/2022 tại Ngọ Môn - Đại Nội Huế. Ảnh: Q.T​

Khác xưa không chỉ là lễ hội mô phỏng theo nghi lễ triều Nguyễn mà Ban Sóc nay còn được xem là lễ hội đầu tiên trong lễ hội mùa Xuân từ tháng 1 đến tháng 3, khởi đầu cho Festival Huế 2022 không tập trung các chương trình nghệ thuật diễn ra trong mấy ngày, mà được tổ chức quanh năm. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, các lễ hội dân gian, cung đình được phân bố theo thời gian nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách. Sau lễ Ban Sóc, cũng trong tháng Chạp này, lễ hội mùa xuân “Sắc xuân giao hòa” tiếp diễn với lễ Thượng tiêu (nghi lễ dựng nêu), báo hiệu thời gian nghỉ tết của triều đình. Còn ra giêng là các lễ hội đền Huyền Trân, tế Xã Tắc, Festival thơ Huế và điểm nhấn là lễ hội Huế - Kinh đô Ẩm thực trong dịp tháng 3 kết hợp kỷ niệm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế. Sau lễ hội mùa xuân là mùa hè, mùa thu và cả mùa đông để Festival Huế đong đầy và Huế quanh năm là lễ hội. 

Kể từ lần đầu tiên vào năm 2000, Festival Huế đã đều đặn “đến hẹn lại lên” và xen kẽ giữa năm chẵn Festival Huế là năm lẻ với Festival nghề truyền thống Huế. Cũng đã 15 năm rồi kể từ khi Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng ký Quyết định 143/2007/QĐ-TTg phê duyệt đề án xây dựng Huế trở thành thành thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam. Và dễ chừng hơn 2 thập kỷ rồi, cứ mỗi kỳ Festival Huế đi qua, bên cạnh những ấn tượng vui, đầy lắng đọng về các hoạt động và lễ hội góp phần làm thức dậy và thăng hoa văn hóa truyền thống Huế là sự băn khoăn về bài toán kinh tế mang lại, tính chuyên nghiệp cần có và yêu cầu tổ chức mang tính công nghệ của sự kiện văn hóa đặc sắc này. Đặc biệt một câu hỏi lớn: sau Festival Huế, sẽ còn đọng lại gì và lấy gì để phục vụ cho nhu cầu du khách vào ngày thường?

Đề án tổ chức Festival Huế bốn mùa được khởi xướng ngay sau Festival 2018 là câu trả lời và tôi nhớ tới Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ. Khi còn là Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã rất tâm huyết với đổi thay mang tính đột phá này. Theo ông Thọ, nguyên tắc chung của Festival Huế bốn mùa là dựa trên các sinh hoạt văn hóa, các lễ hội dân gian, các lễ hội mới du nhập có ý nghĩa cộng đồng trong một khung thời gian hợp lý để xâu chuỗi thành những hoạt động cộng đồng hưởng ứng làm vệ tinh, từ đó phát triển hoặc xây dựng mới một số hoạt động văn hóa, nghệ thuật chính, làm “xương sống” cho lễ hội của mỗi mùa. Đề án được xây dựng với mục tiêu tổ chức các chuỗi lễ hội, festival phân bố cả 4 mùa trong năm nhằm thu hút du khách, phát triển kinh tế - xã hội, để Huế thực sự là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn nhưng không thể cản ngăn “Sắc xuân giao hòa” và Festival Huế bốn mùa. Câu chuyện tiếp theo là tầm nhìn, khả năng quy tụ và hành xử của chủ nhân để Festival Huế trở thành thương hiệu du lịch hấp dẫn và là niềm tự hào của miền Hương Ngự. 

ĐAN DUY