Nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống cây thích ứng với biến đổi khí hậu giúp tăng năng suất

Là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của thiên tai, biến đổi khí hậu (BĐKH), nên việc đối mặt với nhiều thách thức là điều mà Thừa Thiên Huế không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế lại được đánh giá là có nhiều lợi thế trong việc phát huy những cơ hội do tác động của BĐKH như: phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nông, lâm, thủy sản thích ứng cao với điều kiện thời tiết, tiếp xúc với các nguồn vốn trong nước và quốc tế, nhận được sự viện trợ cả về kỹ thuật và kinh tế từ các tổ chức quốc tế… Tận dụng được những cơ hội này sẽ là động lực lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phương châm "sống chung với lũ" của người dân Thừa Thiên Huế đã trở nên quá quen thuộc và gần như trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt của mỗi gia đình để vượt qua những khó khăn, thách thức, sống lạc quan hơn. Mấy năm qua, thời tiết thất thường, BĐKH tác động mạnh, nhưng chính quyền địa phương đã linh động thích ứng bằng việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển các-bon thấp và hướng đến phát triển bền vững. 

Với sự đa dạng về hệ sinh thái rừng và tài nguyên thiên nhiên, Thừa Thiên Huế đón đầu cơ hội tham gia thị trường các-bon, vì đây được xem là một lợi thế rất lớn trong việc thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Thời gian qua, cũng như kế hoạch sắp tới, tỉnh thúc đẩy nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng, phủ xanh đất trống, bảo đảm khai thác hiệu quả các loại rừng để duy trì và tăng khả năng phòng, chống thiên tai, chống sa mạc hóa, suy thoái đất. Cụ thể hóa các kế hoạch, giải pháp này, tỉnh đã triển khai chương trình trồng hàng chục nghìn ha rừng gỗ lớn, trồng rừng trên vùng cát nội đồng, ven biển, khôi phục và mở rộng diện tích rừng ngập mặn ven biển và đầm phá...

Bên cạnh đó, các giống cây trồng có khả năng chịu úng, mặn, hạn, rét... đã được nghiên cứu, khảo nghiệm bố trí sản xuất trên các diện tích bị ảnh hưởng nhằm đem lại năng suất cao và ổn định.

BĐKH còn là cơ hội để tỉnh tăng cường kêu gọi, huy động đầu tư về tài chính và công nghệ để xây dựng, nâng cấp mạng lưới cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi xã hội. Thiết thực nhất là các công trình nhà ở, trường học, trạm y tế phòng, chống thiên tai; các công trình giao thông, thủy lợi, thủy điện bảo đảm ứng phó hiệu quả với lũ lụt, hạn hán, trượt lở đất...

Nhiều nhà xã hội học cho rằng, BĐKH là cơ hội đoàn kết và mang mọi người, mọi tầng lớp xã hội đến gần nhau hơn. Vì BĐKH không phải là vấn đề của một tầng lớp, cộng đồng hay địa phương riêng lẻ nào mà là thách thức chung của toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này, mọi thành phần xã hội phải ngồi lại với nhau để thảo luận và đưa ra tiếng nói chung để cùng hành động.

Việc hợp tác trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, các buổi tọa đàm, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH do các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn tỉnh tổ chức trong những năm qua đã góp phần rút ngắn khoảng cách, nâng cao hiểu biết và chia sẻ lẫn nhau giữa các tầng lớp và cộng đồng dân cư trong xã hội.

Ngoài ra, các biểu hiện cực đoan của BĐKH trong thời gian qua đã tác động đáng kể đến tư duy và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống. Vì vậy, đây là cơ hội để xã hội thay đổi thói quen sinh hoạt, tập quán canh tác và phương thức sản xuất lạc hậu có tác động xấu đến môi trường và sinh quyển; xây dựng lối sống, mẫu hình tiêu thụ thân thiện với khí hậu. Việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới, phương thức sản xuất hiện đại nhờ đó cũng sẽ được thúc đẩy.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN