Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Trung tâm GDQP&AN ĐH Huế

Thành công từ tái cấu trúc

Qua màn hình điện thoại, laptop, lần đầu tiên, cán bộ, giảng viên, sinh viên có nhiều xúc động qua tiếng trống khai giảng trực tuyến. Càng xúc động hơn khi trong một năm 2021 đầy biến động do COVID-19, PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế đã chia sẻ về rất nhiều thành công được tạo ra khi bước qua khó khăn trước đại dịch.

Không chỉ thành công vượt bậc về tuyển sinh, thu hút số thí sinh cao nhất 5 năm qua (hơn 13.000 thí sinh), số lượng công bố khoa học quốc tế uy tín của ĐH Huế cũng tiếp tục tăng mạnh. Cùng với đó, số lượng các nhóm nghiên cứu mạnh, các đơn đăng ký và chứng nhận sở hữu trí tuệ tăng lên so với các năm học trước. Uy tín với giới học thuật, uy tín với nhà tuyển dụng, số trích dẫn, bài báo, kết nối nghiên cứu quốc tế, trao đổi sinh viên tăng cao… Nhờ những thành tựu ấy, ĐH Huế vững vàng hơn ở vị trí 401 - 450 của châu Á, xếp thứ 6 trong 11 cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam góp mặt trong danh sách  bảng xếp hạng ĐH châu Á 2022 được tổ chức QS công bố đầu tháng 11/2021, với hàng loạt tiêu chí liên quan tăng điểm.

Thành công trên đến từ một bước chuẩn bị kỹ, không phải từ đầu năm 2021 mà cả một chặng đường dài với nhiều chiến lược. ĐH Huế là một trong ba ĐH vùng của cả nước, đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao. Để tạo ra đột phá, phát triển mạnh mẽ, hoàn thành sứ mệnh thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, việc tái cấu trúc bộ máy nhằm phát triển ĐH Huế thành ĐH quốc gia là một những chiến lược đã mang lại thành công.

Ông Huỳnh Thành Đạt, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tham quan các sản phẩm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế

Theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) và thực hiện các nghị quyết của Trung ương thông qua chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 5 năm trở lại chứng kiến một cuộc tái cấu trúc lớn của ĐH Huế. Đáng chú ý, ĐH Huế đã đẩy mạnh hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị khối hành chính văn phòng, các ban chức năng, các đơn vị thuộc và trực thuộc, đồng thời thành lập mới, nâng cấp các đơn vị thuộc và trực thuộc, tăng cường phát triển các đơn vị đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội và phát huy thế mạnh về nguồn lực của ĐH Huế.

Những đơn vị mới được thành lập là các khoa chuyên môn đáp ứng nhu cầu xã hội phát triển. Bên cạnh đó, sự ra đời của Trường Du lịch - ĐH Huế trên cơ sở Khoa Du lịch - ĐH Huế cũng đã góp phần hoàn thiện mô hình đào tạo nhân lực ngành du lịch trình độ cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, ĐH Huế đã tái cấu trúc lại phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị và nhà xuất bản, tạp chí khoa học ĐH Huế; nâng tầm của Viện Công nghệ sinh học quốc gia khu vực miền Trung theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp trực tuyến của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh ngày 30/9/2021.

Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Linh, ĐH Huế đã thực hiện tái cấu trúc các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với mô hình của từng đơn vị; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ viên chức, người lao động; giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương. Tổ chức bộ máy của ĐH Huế, các đơn vị thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc từng bước được đổi mới, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, giảm nhiều đầu mối bên trong, nhất là giảm số lượng viên chức quản lý các đơn vị chức năng, bộ môn thuộc khoa, khắc phục được tình trạng chồng lấn về chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị. Vị trí việc làm của viên chức, người lao động được bố trí hợp lý, thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với những người thôi giữ chức vụ quản lý do sắp xếp tổ chức bộ máy hoặc tinh giản biên chế, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị nhanh chóng ổn định và tiếp tục phát triển.

Ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng lễ khai giảng năm học 2021-2022 của Đại học Huế

Phát triển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia

Còn nhớ cách đây 5 năm, nhân chuyến thăm đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nhấn mạnh: “Với truyền thống 60 năm xây dựng và phát triển, ĐH Huế đã trở thành một phần tinh hoa văn hóa Huế, cái nôi nuôi dưỡng trí tuệ và tài năng”. Động lực từ câu nói của Thủ tướng lúc ấy càng giúp ĐH Huế tự tin bứt phá, nỗ lực tạo sức bật cho bước bứt tốc để thực hiện các nhiệm vụ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát triển thành ĐH Quốc gia đã trở thành mục tiêu quan trọng của ĐH Huế. Với vai trò, vị thế nòng cốt và tiên phong trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam, tiềm lực mạnh về đội ngũ và cơ sở vật chất, một ĐH Quốc gia Huế trong tương lai hoàn toàn có thể thực hiện tốt các chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu, góp phần nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực của các tỉnh vùng miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh Nam bộ.

Công tác tái cấu trúc mang lại hiệu quả, ĐH Huế sẽ tiếp tục đặt ra những chiến lược phát triển cho cả giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Nhiệm vụ quan trọng không chỉ tập trung ngày càng phát triển đội ngũ mà còn tạo dựng môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi, dân chủ, công bằng, đồng thuận, thúc đẩy sáng tạo; chú trọng, phát triển mạnh mẽ văn hóa chất lượng trong ĐH Huế.

Cán bộ của Đại học Huế nỗ lực nghiên cứu trong bối cảnh dịch COVID-19

ĐH Huế đang chuyển đổi nhanh chóng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để tích lũy số lượng và nâng cao chất lượng thông qua việc tự chủ ĐH, tiệm cận với giáo dục hiện đại và đổi mới sáng tạo, bước đầu triển khai ở một số đơn vị thành viên tự chủ loại 1 theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, việc quản trị ĐH đang từng bước khắc phục và thích ứng với cơ chế của một ĐH hai cấp như hai ĐH quốc gia. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế trong ĐH hai cấp và tự chủ cần có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ thông qua Nghị quyết số 83/NQ-CP và việc “cởi trói” về cơ chế từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để sớm phát triển thành ĐH Quốc gia.

Bài, ảnh: Minh Tâm