Hệ thống y tế nhiều nước châu Âu đang đối mặt với áp lực rất lớn khi số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh. Ảnh: Suckhoedoisong

Mặc dù các nghiên cứu ban đầu cho thấy nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc nhập viện từ biến thể Omicron thấp hơn so với biến thể Delta trước đây, nhưng các mạng lưới chăm sóc sức khỏe trên khắp Tây Ban Nha, Anh, Italia và nhiều nước khác đã rơi vào hoàn cảnh ngày càng quá tải.

Cuối tuần trước, Anh đã bắt đầu triển khai lực lượng quân sự để hỗ trợ các bệnh viện đang gặp phải tình trạng thiếu nhân viên và áp lực công việc cực cao do số ca nhiễm COVID-19 tăng kỷ lục ở nước này.

Trong một tuyên bố, Giáo sư Stephen Powis - Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), cho rằng sự xuất hiện của Omicron dẫn tới nhiều bệnh nhân hơn cần được điều trị và ít nhân viên hơn để điều trị cho họ.

Tại Mỹ, nhiều bệnh viện đang hoãn các ca phẫu thuật tự chọn để giành nhân lực và giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19, trong khi mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tây Ban Nha căng thẳng đến mức vào những ngày cuối năm 2021, chính quyền ở khu vực đông bắc Aragon phải huy động sự hỗ trợ của các nhân viên y tế đã nghỉ hưu. 

Liên đoàn điều dưỡng Tây Ban Nha SATSE cho biết, những nhân viên tuyến đầu như y tá và bác sĩ vật lý trị liệu là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tại Andalusia, hơn 30% nhân viên y tế tuyến đầu đã nghỉ việc do liên quan đến lây nhiễm COVID-19 trong nửa cuối tháng 12/2021.

Tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt

Ở Hà Lan, tỷ lệ lây nhiễm cũng đang tăng mạnh trong các nhân viên bệnh viện, đặc biệt là y tá và trợ lý điều dưỡng, tờ De Telegraaf của Hà Lan đưa tin, sau một cuộc khảo sát tại 8 bệnh viện lớn.

Tại một trong những trung tâm y tế có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, cứ 4 người thì có 1 người được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, như ở Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam, nơi 25% nhân viên hiện đang nhiễm COVID-19, so với chỉ 5% cách đây một tuần.

De Telegraaf cho biết, các bệnh viện Hà Lan đang cân nhắc việc thay đổi các quy định cách ly để nhân viên bị nhiễm bệnh không có triệu chứng có thể đến làm việc, vì số ca bệnh hàng ngày của Hà Lan tăng lên mức kỷ lục, bất chấp việc nước này đã áp đặt các biện pháp phong toả nghiêm ngặt kể từ ngày 19/12.

Tại Italia, vấn đề thiếu nhân viên y tế ngày càng đáng lo ngại khi số nhân viên bị nhiễm COVID-19 (hơn 12.800 người theo dữ liệu thu thập được vào tuần trước) đang gia tăng, cộng với việc đình chỉ hoạt động của các bác sĩ, y tá và nhân viên hành chính chưa tiêm chủng.

Đỉnh dịch

Trong một nỗ lực cuối cùng để lấp đầy những lổ hỗng trong dịch vụ y tế, các cơ quan y tế Italia đang đóng băng ngày nghỉ của nhân viên, đóng băng hoặc hoãn các cuộc phẫu thuật theo lịch trình không được xem là “khẩn cấp”.

Trong khi đó, với số ca nhập viện vì COVID-19 đã ở mức cao nhất kể từ tháng 2 năm ngoái, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho rằng NHS có thể sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn nữa khi tỉ lệ nhiễm COVID-19 tăng cao ở những người lớn tuổi. “Đó là điều đáng lo ngại”, ông cảnh báo.

Theo dữ liệu mới nhất, trong tuần trước, trung bình mỗi ngày có khoảng 80.000 nhân viên y tế ở Anh nghỉ việc, tăng 13% so với một tuần trước đó. Gần một nửa số người vắng mặt, hay 44%, là do COVID-19, tăng hơn 5 lần so với tuần trước đó.

Ông Rafael Bengoa, cựu quan chức cấp cao của WHO, cho biết Tây Ban Nha đã không thực hiện đủ các biện pháp để củng cố năng lực cho các dịch vụ quan trọng và áp lực sẽ tiếp tục tăng trong vài tuần tới.

Theo ông, Tây Ban Nha dự báo có thể sẽ đạt đỉnh dịch trong vài tuần tới, và sau đó hy vọng số ca nhiễm COVID-19 sẽ giảm nhanh chóng như tốc độ lây nhiễm hiện nay. Ông Bengoa cũng lạc quan rằng làn sóng hiện tại có thể báo hiệu sự bắt đầu của việc kết thúc đại dịch.

“Các đại dịch không kết thúc bằng một đợt bùng phát lớn mà bằng những làn sóng nhỏ vì rất nhiều người đã bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm chủng ... Sau Omicron, chúng ta không cần phải lo lắng về bất cứ điều gì khác ngoài những làn sóng nhỏ”, Reuters trích lời ông Bengoa.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters)