Nhiều mô hình trang trại trồng rừng kết hợp chăn nuôi gia súc ở A Lưới cho thu nhập từ 250-500 triệu đồng/năm

Nhiều mô hình kinh tế trang trại hiệu quả cao

Mô hình sản xuất của ông Hồ Viên Mười, ở thôn AHươr Pae, xã Quảng Nhâm (A Lưới) với bạt ngàn rừng cây, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hơn 35ha, ông Mười chỉ trồng 2ha tre lấy măng để giữ đất. Còn lại, ông dành 3ha để trồng chuối, cây có giá trị kinh tế cao và đầu tư 30ha cây keo tràm. Lấy ngắn nuôi dài, tích lũy để tái đầu tư, ông Mười tiếp tục nuôi đàn bò gần 20 con, hơn chục con dê và trên 100 con gia cầm các loại.

Ông Mười chia sẻ: “Năm nay, riêng chăn nuôi, tôi thu nhập khoảng hơn 350 triệu đồng”. Mặc dù đi sau so với các mô hình ở A Lưới, nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban, ngành huyện, trang trại của gia đình ông Mười đã trở thành địa chỉ mới để mọi người đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

Chủ tịch UBND xã Quảng Nhâm, ông Hồ Trọng Chăn phấn khởi: “Diện tích rộng chính là thế mạnh của địa phương, giúp hình thành các vùng phát triển kinh tế theo hướng gia trại, trang trại. Hiện nay, trên địa bàn xã có thêm 5 mô hình kinh tế trồng trọt kết hợp chăn nuôi có tiềm năng, để bổ sung vào danh sách các mô hình kinh tế trang trại”.

Không chỉ đơn thuần khai thác tiềm năng, thế mạnh từ kinh tế đồi rừng, vài năm trở lại đây, đồng bào DTTS ở A Lưới còn tận dụng diện tích chuồng trại phát triển mô hình trang trại chăn nuôi lợn có quy mô. Điển hình như gia đình ông Quách Thanh Trung, ở thôn Kê, xã Hồng Vân, chăn nuôi hơn 100 con lợn thịt, 10 con lợn nái, hằng năm cho thu lãi trên 350 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí. Ông cũng chính là người thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, nhân rộng mô hình cho 12 hộ gia đình trên địa bàn.

Hình thành hướng sản xuất hàng hóa

Để đồng hành cùng đồng bào DTTS phát triển mô hình gia trại, trang trại, những năm gần đây, các địa phương như Nam Đông, A Lưới ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế quan trọng này. Việc hỗ trợ phát triển kinh tế gia trại, trang trại được lồng ghép, thông qua các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chương trình đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn... Các huyện cũng đã định hướng phát triển mô hình trang trại tập trung, khuyến khích các hộ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Ngoài vận động các hộ đồng bào DTTS tận dụng tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế đồi rừng, các địa phương chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện tập trung phát triển đa dạng các mô hình chăn nuôi, đưa trang thiết bị máy móc vào sản xuất gắn với chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cùng với hoàn thiện hạ tầng, đầu tư các hợp phần phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS, dưới sự hướng dẫn của ngành NN&PTNT, sự phối hợp của Ban Dân tộc tỉnh, nhiều địa phương đã hoàn thành quy hoạch đất đai, xây dựng vùng trang trại trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Theo ông Hồ Văn Lùng, ở xã Thượng Nhật (Nam Đông), hiện tại, địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 200 - 500 triệu đồng/năm, trong đó thu nhập lớn nhất tập trung vào các hộ trồng rừng, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Cùng với đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã hoàn thành quy hoạch đất đai, xây dựng vùng, khu trang trại trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện. Nổi bật có các xã Hương Phong, Phú Vinh, Sơn Thủy, A Ngo của huyện A Lưới, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế gia trại, trang trại có hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới - Hồ Văn Ngưm, phát triển chăn nuôi và kinh tế trang trại là chủ trương lớn của huyện nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo ra các vùng tập trung sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Sự đầu tư các hợp phần kinh tế theo hướng trang trại đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong đồng bào DTTS, mở ra nhiều mô hình sản xuất mới và nhân rộng quy mô, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Điều này đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở vùng DTTS theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, tạo ra các vùng sản xuất tập trung. Qua đó, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp của bà con từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn hơn gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho đồng bào DTTS trên địa bàn.

Bài, ảnh: Bá Trí