Chất lượng không khí tại nhiều thành phố ở Ấn Độ xấu đến mức báo động. Ảnh: CNN/Dangcongsan

Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), tổng cộng 132 thành phố ở Ấn Độ hiện có mức độ ô nhiễm được coi là dưới tiêu chuẩn quốc gia, tăng gần 30% từ 102 thành phố khi Chương trình Không khí sạch Quốc gia bắt đầu vào năm 2019.

Nguồn kinh phí hạn chế, thiếu các tiêu chuẩn khí thải chặt chẽ hơn cho các ngành công nghiệp, bao gồm các lò luyện kim loại cho đến các nhà máy lọc dầu… và tiến độ bổ sung các trạm quan trắc chậm được xem là những yếu tố cản trở tiến trình cải thiện chất lượng không khí, CREA cho biết.

Các tác giả của báo cáo cho rằng nước này nên thực hiện các hành động nghiêm ngặt trên các lĩnh vực để giảm lượng phát thải.

Được biết, hiện hơn 90% dân số Ấn Độ đang sống ở những khu vực có chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy sản xuất và phương tiện giao thông là những nguồn gây ô nhiễm chính. Vấn đề này càng trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông do việc đốt rơm rạ của nông dân, khiến các thành phố phía bắc - bao gồm cả thủ đô New Delhi, chìm trong một làn khói bụi mịt mù.

Ước tính khoảng 1,67 triệu người đã chết trong năm 2019 liên quan đến ô nhiễm không khí ở Ấn Độ, làm tăng thêm áp lực lên nền kinh tế quốc gia do chi phí y tế cao hơn và giảm năng suất lao động. Chất lượng không khí kém cũng được xem là một yếu tố làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước như một điểm đến kinh doanh.

Theo Bloomberg, trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2020, Ấn Độ chiếm đến 9 thành phố.

Báo cáo của CREA cho biết, chiến lược quốc gia của Ấn Độ đặt mục tiêu giảm phát thải các chất dạng hạt tới 30% vào năm 2024 so với mức của năm 2017. Do các nguồn ô nhiễm có thể khác nhau giữa các thành phố, nên điều quan trọng là phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu về chất lượng không khí ở các địa điểm khác nhau, ông Dahiya – tác giả báo cáo của CREA nhấn mạnh.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Bloomberg)