Gần Tết Nguyên đán, mấy ngày qua con cháu ở xa đã điện thoại về nhắc mệ nhớ làm món tép chua để ăn tết. Mỗi lần nghe điện là mệ lại móm mém cười, rồi mắng yêu: “Cha mi, nhớ chi không nhớ lại nhớ món tép chua. Năm ni dịch giã, sang năm nhớ về ăn tết nghe con”. Đã hơn chục năm nay, như “truyền thống”, cứ gần đến tết cổ truyền của dân tộc là mệ cứ lục đục sửa soạn mấy thứ để chuẩn bị làm tép chua cho đại gia đình và cho cả con cháu nội, ngoại đang lập nghiệp nơi xa không về Huế được.

Tuổi già đi lại khó khăn hơn, nhất là khi trở trời bệnh xương khớp tái phát, đôi tay hễ cầm nắm cái gì thì run run, mắt cũng mờ hơn nhưng ít khi thấy mệ ngồi yên một chỗ mà cứ luôn tay, hết làm việc này đến làm việc kia. Cháu con đùa với mệ rằng: “Sau này đến trăm tuổi thì có ai làm tép chua cho tụi con ăn đây. Hay là mệ mở lớp để truyền nghề lại. Đứa khác thì đùa: Chắc mệ giấu nghề”. Mệ lại cười xòa, những nếp chân chim ngày càng hằn sâu trên khuôn mặt khi sắp bước sang tuổi tám mươi, rồi thủng thẳng nói: “Làm tép chua không khó lắm đâu, chỉ cần chú tâm thì ai cũng làm được, cái quan trọng là liều lượng của các gia vị sao cho phù hợp với lượng tép thì mới ngon”.

Rồi cứ thế mệ diễn giải tỉ mỉ, chi tiết, nào là xắt riềng như thế nào, rồi tỏi, rồi ớt, muối, bột ngọt,… liều lượng ra sao. Mệ còn dặn thêm là phải cho thêm ít xôi dẻo nữa để mau lên men, hương vị đậm đà hơn… Nếu thích thì bỏ thêm ít bột điều cho màu sắc của tép chua được đẹp, bắt mắt hơn. Cũng tùy theo thời tiết, nhưng khoảng một tuần đến mười ngày là tép chín. Mệ nói nhiều lắm nhưng tôi không thể nhớ hết, chỉ nghĩ rằng, làm ra một món ăn cho bài bản cũng không đơn giản tí nào, nhiều lúc của một đồng nhưng công một nén. Có người còn nói, làm tép chua ngon phải có “tay”. Không rõ thực hư thế nào nhưng gia đình tôi đã quen, đã “ghiền” món tép chua của mệ.

Nhà cũng gần chợ, từ mờ sớm đã thấy mệ xách cái giỏ đi đến hàng cá, hàng tôm để tìm mua tép. Mùa này tép cũng nhiều, nhưng có lần mệ đi chợ về với cái giỏ không vì không có tép, hoặc có nhưng không được tươi. Hôm rồi cũng may, mới đi một lúc thì mệ đã mua được mấy ký tép, nhiều con còn nhảy, búng kêu lách tách. Mùa nào cũng làm được tép chua, nhưng theo mệ mùa lạnh thì con tép ngon hơn. Phụ giúp mệ một tay, con cháu chụm vào để nhặt rác, nhặt ốc và cả những con cá nhỏ lăn tăn đang nằm lẫn trong tép. Có lẽ đây là “công đoạn” khá mất nhiều thời gian. Sau đó, mệ rửa tép bằng cách ngâm nước muối rồi rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Suốt một ngày cặm cụi, tỉ mẩn, rồi hơn chục thẩu tép chua đã “ra đời” và cứ thế mà làm quà để gửi đi nơi này, nơi kia cho con, cho cháu.

Ở Huế nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản, nhất là tôm chua đã trở thành thương hiệu. Khách du lịch đến Huế thưởng thức một lần là nhớ mãi và không quên mua về để làm quà cho người thân và bạn bè. Cũng như tôm chua, món tép chua mà kẹp với thịt ba chỉ và rau sống ăn với cơm nóng cũng hấp dẫn, thú vị lắm. Có lần, mấy người bạn đến chơi trong dịp tết cổ truyền rồi cùng ngồi lại dùng cơm với gia đình tôi. Bày biện ra nhiều món để mời khách, tôi không quên dọn thêm món tép chua của mệ. Bất ngờ, các bạn tôi tấm tắc, xuýt xoa khen ngon khi thưởng thức món tép chua. Nghe vậy, lòng tôi cảm thấy vui hơn.

Ngày tết, gia đình tôi thiếu món này, món kia nhưng có lẽ không thể  thiếu món tép chua của mệ.

LINH THIỆN