1. Tuổi lên 5, mạ con tôi sống với ngoại ở làng Thanh Thủy Thượng (Hương Thủy). Bên cạnh chuyện đồng áng, ngoại tôi còn có “nghề lên đồng”. Không mô xa, chỉ quanh quẩn nhiều ở nơi am nhỏ trong xóm và cũng chỉ “lên ôn mệ” vào dịp rằm hay mồng một hằng tháng mà thôi. Tôi thường tháp tùng theo ngoại, ngồi vật vưởng cả buổi để chờ cuối buổi “cô đi chợ”, ban phát lộc cho lũ trẻ chúng tôi là trái ổi, cái bánh in hay một vật chi đó có giá trị tương đương. Tuy chỉ là am xóm nhỏ, nhưng bên trong cũng trang trí nhiều hình vẽ mà ấn tượng nhất với tôi là hình ảnh ông cọp oai phong. Tôi tò mò, ngoại bảo đừng hỏi nhiều không hay, ông nớ linh thiêng đó.
Cái thời đèn dầu cách nay hơn nửa thế kỷ, lúc chưa đến tuổi đến trường, hình ảnh đầu tiên trong tôi về hổ, người quê tôi vẫn hay gọi là cọp, gắn liền với vật linh thiêng, được thờ cúng trọng vọng. Cách làng tôi vài cây số, ngay trên Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Phú Bài (Hương Thủy) có cái am Truông hay còn gọi là miếu Ông Cọp. Tôi nghe cụ Nguyễn Tú, cùng trong nhóm biên soạn Địa chí Hương Thủy kể rằng, bảy tám chục năm trước, vùng Phú Bài này hoang vắng lắm, còn được gọi là truông Phú Bài. Người dân qua lại rất lo lắng, sợ cướp và sợ cả thú dữ. Miếu Ông Cọp có từ rất lâu, được dựng lên là để cầu mong mấy ông Ba Mươi đừng ra bắt người qua đường mà tội nghiệp. 23 tháng Chạp, ngày tất niên hay đầu năm mới là 3 dịp cúng bái thịnh soạn cho ngài. Đồ cúng chủ yếu cho người xấu số là áo quần lành lặn và cho ông cọp gồm thịt heo sống, gừng tươi, rượu trắng cùng ê hề các loại thức ăn ngon. Không rõ có phải nhờ cúng hay không mà bây chừ chẳng ai nghe chuyện người bị cọp giết thịt ở quê tôi, vùng phụ cận phía nam Huế.
Không còn nỗi sợ cọp Phú Bài xưa, nhưng chưa quên là câu chuyện hơn 15 năm trước khi bản Khe Trăn một phen “búi xua” do hổ quậy. Xã Phong Mỹ (Phong Điền) có ngọn núi Tam Dần, tương truyền bấy giờ có ít nhất 4 con hổ sinh sống nơi đây. Hung dữ nhất là con hổ chỉ có 3 chân (nghe đâu do trúng bẫy, hổ ta cắn đứt chân để thoát thân). Đêm nào, con hổ què này cũng đứng trên ngọn Tam Dần gầm rú rất dữ tợn trước lúc xuống núi bắt mồi. Nó đến từng nhà bắt heo bò, làm tán loạn cả lên, ai cũng khiếp vía. Rồi nghe đồn, bầy hổ sau đó đã bị thợ săn vùng sơn cước dùng chiêu “độc” bắt đi. Chẳng rõ số phận sau đó ra sao, mấy chú hổ kia có còn sống đến bây chừ?
2. Cũng bởi là thú dữ nên xưa nay hổ là biểu tượng cần đánh đổ. Đâu đó, ta bắt gặp hình ảnh hổ được tạc vào tường, nhe răng dọa tà ma và làm dựng tóc gáy những người yếu bóng vía. Xưa nay, thắng được hổ là anh hùng. Trung Quốc có Võ Tòng, Lý Quỳ… nổi tiếng vì đả bại được chúa sơn lâm. Việt Nam có Phùng Hưng, Lê Văn Khôi… lừng lẫy bởi chiến công diệt hổ. Ngay từ ấu thơ, học trò được học truyện cổ tích “Trí khôn của ta đây”, hổ bị con người lừa trói vô cột, thiêu cho cháy xém. Thuở ấy hả hê lắm, nhưng chừ nghĩ lại, tôi thấy sao tội nghiệp cho lão hổ vằn chân chất quá.
Ở Huế có Hổ quyền, một trường đấu cổ thuộc loại độc nhất vô nhị, nơi đó hổ đấu với voi. Chuyện rằng, ngày thi đấu, dân chúng kinh thành Huế mở hội, đặt hương án bày đồ bái vọng suốt từ bờ sông Hương đến tận đấu trường. Chung quanh sân Hổ quyền cắm cờ ngũ sắc, bày nghi trượng. Một đội lính quân phục đỏ, đội nón sơn xanh, cầm giáo dài, đứng hai bên lối vào đấu trường. Mặt đường trải thảm chiếu hoa. Thế nhưng, khổ thân cho ông hùm, đó lại là một cuộc đấu thiên vị. Bí mật được Michel Chaigneau tiết lộ trong cuốn “Souvenirs de Huế”, trước khi giao đấu bao giờ móng vuốt của hổ cũng bị dũa, chân bị bọc trong những túi da dày để không thể thắng được đối thủ. Sử cũ chép lại đầy hân hoan, trận Hổ quyền đẫm máu nhất là vào năm 1750 ở cồn Dã Viên trên sông Hương, lần lượt 40 con voi đã giết chết 18 con hổ!
Công bằng mà nói, sợ hổ, ghét hổ và muốn hại hổ nhưng ai đó nếu được so sánh với hổ cũng đều… sướng cái lỗ nhĩ. Ít có con vật nào nhiều tên như hổ. Chưa kể các tên gọi mang tính vùng miền, như hổ, cọp, hùm, khái… là các danh xưng vừa kính trọng, lại vừa kinh sợ: Chúa sơn lâm, Ông Ba Mươi, ông Hùm, ông Hạm… Nói về sự nghiệp vẻ vang truyền đời, có câu “hổ phụ sinh hổ tử”. Luận về kẻ anh hùng, gọi là hổ tướng. Nơi hiểm nguy là “hang hùm”. Không sợ người có quyền sinh, quyền sát thì bảo “vuốt râu hùm”. Đụng chạm vào nơi không ai dám là ăn “gan hùm”. Lại nữa, có “hổ đồng bằng” để chỉ hổ nhốt trong chuồng, không dọa được ai. “Ngạ Hổ đắc thực” là dứt khoát mạnh mẽ, còn người có trí tuệ hơn người được ví “hàng long phục hổ”. Bất luận hoàn cảnh nào cũng đều uy dũng là “hổ xú hùng tâm tại”. Vô cùng thấm thía là lời cảnh báo “thả hổ về rừng”.
3. Dữ dội trong sách vở, oai hùng trong tâm thức, thế nhưng con hổ đời thường mà tôi có dịp tiếp xúc gần mới hiền dịu làm sao. Đó là tôi muốn nhắc lại cảm nhận cách đây mấy năm, lần đó trong hành trình du lịch từ thành phổ biển “không ngủ” Pattaya trở lại Bangkok, đoàn khách chúng tôi có dịp ghé lại một cơ sở du lịch. Ở đó có rất nhiều hổ, khách ngắm nhìn thỏa thích và đặc biệt là có thể chụp ảnh với hổ con. Trong tâm trạng đầy phấn khích, tôi cũng liều mua ngay một vé… bồng cọp chụp ảnh xem sao. Ngay lập tức, tôi được dẫn tới khu vực có rất nhiều khách du lịch, được trao cho một bình sữa và một chú hổ con. Tôi làm theo lời hướng dẫn viên du lịch. Chú hổ nhỏ khát sữa, trong vòng tay của tôi không còn biết trời đất chi nữa cả và thế là yên tâm… chụp ảnh. Đã hơn 5 năm rồi trôi qua, mỗi lần nhớ lại tôi vừa thích vừa sợ, thích cái cảm giác ấm áp từ chú cọp con trên tay, còn sợ lỡ hắn nổi máu sơn lâm tát cho cái thì… họa tới.
Còn nhớ khi tôi lấy vợ, mạ tôi răn đe, đừng có đụng vô mấy o tuổi cọp đó nghe. Không biết từ đâu mà mạ cứ khăng khăng bảo rằng, con trai tuổi dần là sang nhưng con gái tuổi dần dữ tính và cao số nên hại chồng. Qua đến thằng con trai tuổi dần, vợ mang bầu giữa năm sửu, mà tui mừng lại vừa lo bởi mệ nội rằng rí, sợ đẻ cháu gái tuổi dần ế dôn. “May” cho tôi và cũng thương cho mấy o, chị tuổi dần bị hàm oan, tôi được vợ tuổi trâu chăm chồng và ít nói. Còn thằng con trai mang phong cách hổ nên cao to, giọng rõ vang, tính cách mạnh mẽ... Chuyện về hổ trong tôi do thế càng đong đầy yêu thương.
Bài: Nguyễn Đình Nam
Tranh dân gian ngũ hổ Hàng Trống