Tuyết rơi dày đặc tại Washington, DC, Mỹ ngày 3/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo NBC, dự báo cho thấy ngày 11/1 không chỉ là ngày lạnh nhất trong tuần mà còn là ngày lạnh nhất trong 3 năm đối với các khu vực ở Thượng Trung Tây, Great Lakes và vùng Đông Bắc.

Nhiệt độ không khí lúc Mặt trời mọc đã ở mức dưới 0, chỉ số phong hàn xuống tới âm 34 độ C khắp miền bắc New England.

Không khí lạnh đến mức có thể nhìn thấy từ vũ trụ trên hình ảnh vệ tinh hồng ngoại.

Dự báo nhiệt độ cao nhất vào ngày 11/1 là từ âm 9 đến âm1 độ C, đặc biệt là ở vùng Đông Bắc. 

Đây sẽ là buổi chiều lạnh nhất kể từ năm 2019 ở New York khi dự báo nhiệt độ cao nhất là âm 5 độ C.

Tại Boston, nhiệt độ là âm 11 độ C. Hệ thống trường công lập của Boston, lớn nhất ở bang Massachusetts, đã thông báo đóng cửa trong ngày 11/1 vì thời tiết rất lạnh. 

Sở Y tế và Dịch vụ Nhân sinh bang New Hampshire thông báo rằng 4 địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở bang này sẽ đóng cửa vào ngày 11/1 vì giá lạnh.

Tin tốt là đợt không khí lạnh này sẽ diễn ra trong thời gian ngắn, khi nhiệt độ tăng vào ngày 12/1 và dự kiến sẽ ấm hơn cho đến cuối tuần.

Các kênh tin tức Mỹ cảnh báo người dân ở trong nhà vì bỏng lạnh có thể xảy ra trong vòng 30 phút trong nhiệt độ thấp như vậy. Người dân cũng nên kiểm tra sức khỏe của những người yếu trong gia đình, hàng xóm, thú cưng; để mở vòi nước để đường ống không bị vỡ.

Tình trạng thời tiết giá lạnh này diễn ra sau khi có thông tin cho thấy lục địa Mỹ trải qua tháng 12/2021 với nhiệt độ cao kỷ lục, khiến năm 2021 trở thành năm ấm thứ tư trong lịch sử.

Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia cho biết 10 bang ghi nhận kỷ lục về tháng 12 ấm nhất.

Nhiệt độ ấm kỷ lục đã gây ra nhiều đợt bùng phát lốc xoáy, khi có đến 193 trận lốc xoáy xảy ra và tháng 12/2021 là thời gian có nhiều lốc xoáy nhất.

Nhìn tổng thể vào năm 2021, nhiệt độ trung bình ở 48 bang là 12,5 độ C, cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế kỷ 20. Sáu năm ấm nhất ở Mỹ đều là các năm sau năm 2012.

Theo Baotintuc