Doanh nghiệp cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ tài chính (Ảnh minh họa)
Nhiều chính sách làm bàn đạp cho phục hồi kinh tế
Thời gian qua, dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để kiểm soát dịch và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ đến cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người lao động. Ngoài phát huy hiệu quả các chính sách từ Trung ương như: gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất; chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt và triển khai nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch.
Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, hiện nay tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong phòng, chống dịch bệnh như: khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine cho các DN; hướng dẫn thống nhất từ cấp tỉnh đến huyện, xã trong việc cách ly, giám sát y tế đối với các đối tượng F1, F2 trong DN. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, tạo kênh thông tin thông suốt và nhanh chóng trong xử lý các vấn đề liên quan đến dịch COVID-19.
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cũng chia sẻ nhiều chính sách hỗ trợ doanh DN, HTX, hộ kinh doanh trong vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế với các chương trình vay vốn giải quyết việc làm; chương trình vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Cần chính sách tài chính từ phía tỉnh
Tại hội thảo các đại biểu tham dự đều có chung nhận định, để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh DN lớn cần được tháo gỡ về cơ chế chính sách, còn các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh lại cần một lực đẩy từ chính sách tài chính.
Như nhận định của bà Đặng Thị Thùy Dương, Chủ tịch Hội doanh nhân nữ, gánh nặng tài chính vẫn là áp lực lớn nhất của DN. Vì thế, điều DN mong mỏi nhất là chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải có chính sách hỗ trợ bằng “tiền tươi thóc thật", hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của người dân, DN theo phương thức tại chỗ, khuyến khích sử dụng sản phẩm địa phương, sử dụng sản phẩm của nhau. Đồng thời, tỉnh cần cân đối ngân sách để hỗ trợ xây dựng một chương trình vay vốn với lãi suất ưu đãi giúp DN cởi bỏ được áp lực tài chính để “bức phá” trong thời điểm hiện nay.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đưa ra khá nhiều giải pháp để lấy ý kiến từ phía doanh nghiệp, các chuyên gia cho từng nhóm cụ thể như doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn; DN có quy mô vừa và nhỏ; nhóm DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, HTX, hộ kinh doanh.
Đối với nhóm DN có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, HTX, hộ kinh doanh được đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng với mức hỗ trợ 3 năm lãi suất vay không quá 10 triệu đồng/năm cho vay giải quyết việc làm và duy trì và mở rộng việc làm; hỗ trợ chuyển đổi số trong DN trong đó chủ yếu tập trung chuyển đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang kết hợp với phát triển thương mại điện tử, cam kết doanh thu tăng tối thiểu 20%. Đồng thời, kêu gọi các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh áp dụng gói hỗ trợ ưu đãi về lãi suất dưới 5% cho các DN.
Trong đó, đề xuất chuyển một phần ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm, phục hồi sản xuất với những ưu đãi về đối tượng, lãi suất được cộng đồng DN hưởng ứng.
Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, hiện nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay khá thấp chỉ bằng ½ so với mặt bằng chung cả nước. Việc chuyển nguồn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phục hồi sản xuất sẽ là giải pháp quan trọng căn cơ nhằm tạo động lực trong phát triển. Bởi khi ngân sách địa phương chuyển sang lớn đồng nghĩa nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam rót về sẽ tăng trưởng theo. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở ngành, ngân hàng liên quan cần họp bàn để nhận diện đối tượng hỗ trợ từ đó có hướng xây dựng đề án làm căn cứ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh.
Ông Lê Việt Sỹ cũng kỳ vọng, việc chuyển một phần ngân sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phục hồi sản xuất kinh doanh cộng với chính sách vĩ mô về hỗ trợ lãi suất, giảm lãi mà Quốc hội vừa thông qua sẽ là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh phát triển sản xuất trong trạng thái bình thường mới.
Bài, ảnh: Hoàng Loan