Bạn trẻ tham gia các nhóm cùng chung sở thích decor

Từ “dạo” mạng sang áp dụng tại nhà

Vốn “chân chạy” lại nghiện la cà quán sá, nhưng từ ngày dịch COVID-19 căng thẳng, Yến - người bạn thân của tôi lại chịu ở yên trong nhà. Ba tháng trời không gặp, bỗng bạn gửi cho tôi những bức ảnh sống ảo với góc chill (thư giãn) vô cùng ấm cúng, kèm lời nhắn: “Ở nhà sẽ chẳng buồn chán, nếu biết cách biến hóa không gian sống của mình tạo ra những góc thật đẹp để cùng gia đình nghỉ ngơi, thư giãn”.

Không gian mới bạn tôi tạo ra quả thật bất ngờ. Từ giường gỗ, tủ gỗ thông thường, Yến thay thế bằng giường và bàn ghép lại từ các miếng pallet gỗ, gợi cảm xúc hoài niệm cho căn phòng, đồng thời sử dụng thêm các vật dụng làm từ cói, mây tre đan để tạo điểm nhấn cho không gian đúng chất vintage. Ở phòng khách, cô nàng cũng thêm một số món đồ đặt trên mạng như máy nghe đĩa than, chuông gió, thảm trải sàn thổ cẩm...

Không riêng bạn tôi, mà đó đã trở thành một trào lưu mùa dịch. Từ những lần “dạo” mạng xã hội, giới trẻ đã mang những trào lưu khá hay về áp dụng tại nhà. Tiết kiệm khoản tiền nhỏ mỗi ngày, nhiều bạn trẻ để dành mua cây cối, đồ dùng trang trí… Gom dần, rồi decor lại những góc nhà, phòng ngủ, sân thượng, họ tạo ra những khu vườn, góc nhà đúng chất sang chảnh hơn quán cà phê.

Decor góc nhà thật đẹp là sở thích của người trẻ

Nguyễn Thị Tường Vy, cô gái 9X vẫn thường bắt những trend mới kể, thông qua mạng xã hội, mùa dịch cũng dễ dàng “bỏ túi” kinh nghiệm decor. Trang trí phòng ngủ chill có nhiều cách, có thể bằng vật liệu gỗ, giấy dán tường, đèn led, tranh hay nhiều phụ kiện. “Mình thích phòng ngủ đẹp với những mẫu gối decor. Bố trí những chiếc gối decor vừa xinh xắn, mềm mại phù hợp với căn phòng. Chiếc giường êm ái sẽ mang lại cảm giác thư giãn, tuyệt vời”, Tường Vy chia sẻ.

Dịch COVID-19 đảo lộn mọi hoạt động của đời sống xã hội, thế nhưng nhờ tìm cách thích ứng, nắm bắt xu thế thời đại 4.0, nhiều bạn trẻ lại tìm được những lợi ích từ mạng xã hội. Tìm vào những nhóm yêu bếp, nghiện nhà, nghiện decor cùng những nhóm liên quan, giới trẻ học hỏi kinh nghiệm hay của những người đi trước để thay đổi niềm vui ra ngoài bằng ở nhà, thậm chí là nghiện ở nhà.

Vào bếp và yêu bếp, nghiện bếp cũng là một trong những thói quen mới ảnh hưởng các trào lưu trên mạng xã hội. Từ những công thức ở các nhóm, fanpage trên facebook, nhiều bạn trẻ, học sinh, sinh viên thử sức. Điều khiến họ yêu thích là tìm được các thông tin chia sẻ khá bổ ích về cách chế biến, sơ chế nguyên liệu của các món ăn lạ từ nam ra bắc, hay các món từ nhiều nước Á, Âu với nhiều cách xử lý, chế biến bắt mắt để khoe với bè bạn. “Nói đùa vui là chị “cô-vy” đã thay đổi mình, bởi từng ham vui những trò ngoài đường, từ khi vào bếp, mình biết nấu nhiều món mới, tự tay làm những bữa cơm gia đình. Chưa bao giờ, cảm nhận hạnh phúc từ những điều giản đơn là gần gũi đến thế”, Minh Hiếu, một bạn trẻ ở Huế chia sẻ.

Ở hai đầu đất nước hay tại mảnh đất Cố đô, trào lưu yêu bếp, nghiện nhà, nghiện decor không chỉ là thú vui riêng của các bạn nữ. Nhiều nhóm với hàng ngàn, hàng chục ngàn thành viên tham gia có một bộ phận không nhỏ là nam giới. Và, họ cũng trở thành nhưng siêu đầu bếp, kiến trúc sư tại nhà khi chia sẻ những công thức món ngon hay trang hoàng, làm đẹp nhà tiết kiệm không kém gì phái đẹp. Thành Trung, bạn trẻ ở TP. Huế cho rằng trong khi việc ra ngoài, đến các điểm vui chơi, giải trí không còn như trước vì đại dịch, thì nhập hội các nhóm tương đồng về sở thích, đam mê trở thành hình thức giải trí. Điều quan trọng, cách giải trí này rất tích cực.

Nghiện nhưng không ngại

Giới trẻ vẫn đùa vui bởi câu nói: “Nghiện mà ngại”. Ấy là vì nhiều người thường bảo, cái gì nghiện quá cũng không tốt, vì sự lặp lại liên tục của một hành vi bất chấp hậu quả không ai khuyến khích. Nhưng, với những thứ “nghiện” để mang lại giá trị, lợi ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng thì nghiện nhưng không ngại có thể chấp nhận được.

Vào bếp khoe tài nấu ăn là trào lưu của nhiều bạn trẻ mùa dịch

Trên mạng xã hội thời gian qua cũng xuất hiện những trào lưu mới với các nhóm liên quan mà nghiện CODE là một trong số đó. Hiểu đơn giản thì đó là cộng đồng của những người đam mê biến những dòng chữ số, thuật toán khó hiểu trở nên có ích, nhằm phục vụ cho những người yêu IT, công nghệ. Từ những cộng đồng như thế, giới trẻ không chỉ khoe thành tích biến những điều không thể thành có thể mà còn trao đổi kinh nghiệm, học tập, chia sẻ tin tức, mẹo vặt…

Những nhóm trên mạng xã hội được tạo ra phù hợp với từng lĩnh vực, đam mê và sở thích. Việc chủ động gia nhập các nhóm: nghiện bếp, nghiện nhà, nghiện decor, nghiện sách, nghiện gym… chủ yếu để trao đổi, chia sẻ và nắm bắt thêm kinh nghiệm là yếu tố tích cực để phát triển bản thân, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh mà mọi hội, nhóm đều tận dụng kênh online để gặp mặt.

Chẳng có gì đáng ngại khi đam mê những hoạt động, những điều bổ ích, có ý nghĩa. Nói như các bạn trẻ vẫn thường đùa vui: “Nghiện mà mang lại giá trị cho mình, cho người thì ngại gì không nghiện”.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC - FB NHÀ CỦA TUI