Thanh toán được thực hiện bằng mã QR. Ảnh minh họa: Internationalfinance.com/TTXVN

Trong bối cảnh đó, một bài viết được đăng tải trên Tạp chí Business Times, ông Samier Khan, Giám đốc Điều hành Công ty Codebase Technologies tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương lưu ý, dù có quỹ đạo tăng trưởng tích cực, nhiều người dân ở các quốc gia ASEAN vẫn tiếp tục sống ở những khu vực bị thiệt thòi, với ít hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng chính thức.

Ước tính có khoảng 290 triệu người trưởng thành trong khu vực không có tài khoản ngân hàng. Theo ông Samier Khan, có sự tiến bộ trong việc thu hẹp con số này, khi các Chính phủ tập trung vào việc giải quyết vấn đề hòa nhập tài chính, bằng cách mở ra khả năng tiếp cận rộng rãi đối với các dịch vụ tài chính và ngân hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, việc nhiều người không thể tiếp cận cũng tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các nhà cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số để bổ sung dịch vụ và thu hẹp khoảng cách.

Xác định rào cản

Hòa nhập tài chính được hiểu là nhiều doanh nghiệp và cá nhân hơn, từ một phạm vi kinh tế rộng hơn, được tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ tài chính. Đây là một yếu tố cần thiết để giảm nghèo, giúp thúc đẩy sự thịnh vượng, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi trong ASEAN. Qua đó, có 3 rào cản phổ biến đối với hòa nhập tài chính được xác định.

Thứ nhất là việc trả lương bằng tiền mặt. Chỉ 1/3 số người lao động ở các nước ASEAN nhận tiền lương hàng tháng qua tài khoản tại một tổ chức tài chính, và 71% được trả lương bằng tiền mặt. Đáng chú ý, việc thanh toán tiền lương trực tiếp vào tài khoản của người lao động sẽ an toàn hơn, đảm bảo họ có thể tiết kiệm tiền một cách an toàn và xây dựng lịch sử tín dụng.

Thứ hai, mức độ sở hữu tài khoản vẫn thấp. Ông Samier Khan cho rằng, bằng cách công nhận giá trị của hòa nhập tài chính đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia, các nhà lãnh đạo ASEAN cần coi đây là một trong những ưu tiên chính. Với sự thâm nhập của thiết bị di động ngày càng tăng nhanh trong dân số Đông Nam Á, điều quan trọng là các đơn vị trong ngành này cần thúc đẩy quy trình định danh khách hàng điện tử (eKYC), nhằm giúp việc xác minh danh tính dễ dàng hơn trong kỷ nguyên ngân hàng “không tiếp xúc” mới.

Thứ ba là mức độ chấp nhận thanh toán điện tử chưa cao. Các giải pháp thanh toán kỹ thuật số, như tiền di động mang lại lợi ích to lớn cho cả người dùng cuối và các nhà cung cấp giải pháp tài chính, giúp thúc đẩy nền kinh tế nói chung. Mặc dù loại tiến bộ công nghệ này giúp cải thiện hiệu quả của các giao dịch, các phân khúc cụ thể của thị trường tiêu dùng, nhất là những thị trường ở các khu vực kém phát triển hơn có thể dẫn đến “khoảng cách kỹ thuật số”.

Liên quan đến vấn đề này, Báo cáo e-Conomy SEA của Google, Temasek, Bain & Company đã chỉ ra sự thống trị của tiền tệ vật chất lý trong khu vực, khi 59% tổng giá trị giao dịch (GTV) của khu vực này vào năm 2020 được dựa trên tiền mặt. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đóng vai trò là chất xúc tác đối với sự sụt giảm của tiền mặt, và thúc đẩy việc sử dụng ví điện tử. Theo đó, ​​GTV dựa trên tiền mặt được dự báo sẽ giảm còn 49% vào năm 2025.

Tăng cường hòa nhập tài chính

Mặc dù các Chính phủ và các cơ quan quản lý đang thực hiện những tiến bộ đáng kể để giải quyết khoảng cách hòa nhập tài chính tại ASEAN, ông Samier Khan nhận định, vẫn còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy hòa nhập tài chính cho nhiều cộng đồng địa phương.

Hiện có rất nhiều sáng kiến ​​có thể thực hiện để khuyến khích sự hiểu biết rộng rãi về tài chính và cải thiện khả năng tiếp cận với các giải pháp công nghệ tài chính (fintech) đổi mới sáng tạo; song, những sáng kiến này lại rời rạc. Qua đó, cần có một mức độ nhất định đối với các quy định và tiêu chuẩn trên toàn khu vực, nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các cơ quan Chính phủ cũng cần hình thành quan hệ đối tác hợp tác với các công ty phát triển giải pháp có khả năng mở rộng và tiềm năng cao, để giúp họ mở rộng phạm vi tiếp cận. Hơn nữa, có cơ hội rõ ràng cho các tổ chức tài chính để ưu tiên cả các sáng kiến ​​hòa nhập tài chính, cũng như những chiến lược thu hút khách hàng. Việc thiết lập một thành phần tích hợp kỹ thuật số và được tổ chức hợp lý có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào sự hiện diện vật lý, cho phép các tổ chức giảm chi phí hoạt động, đồng thời thu hút khách hàng từ bất kỳ địa điểm nào.

Những chương trình hòa nhập tài chính đang thay đổi rất nhanh chóng, các tổ chức tài chính hiện đang áp dụng tích hợp kỹ thuật số với sự hỗ trợ của các ngân hàng Trung ương, hiểu rõ việc nới lỏng các quy trình định danh khách hàng thủ công sẽ mở đường cho việc số hóa nhiều hơn, mang lại khả năng tiếp cận tài chính và cuối cùng là một nền kinh tế mạnh mẽ hơn.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Business Times)