Chỉ còn hơn nửa tháng là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đây là thời điểm sôi động nhất của thị trường trong năm và cũng là cơ hội làm ăn của mọi người, mọi nhà và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Năm 2021, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động đều phải đối diện với nhiều khó khăn. Có những thời điểm, sản xuất bị đình đốn, giao thương bị ngưng trệ do phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Hiện nay, với việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh. Nhất là, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh là cơ hội để các doanh nghiệp, người kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vừa bù đắp lại những thiệt hại do tác động của dịch bệnh.
Theo dõi diễn biến thị trường, thời điểm này sức mua tuy không lớn và chưa sôi động như mọi năm, nhưng chắc chắn càng đến gần tết thị trường sẽ càng sôi động hơn, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu tết như bánh mứt, thực phẩm các loại... Hiện nay, các doanh nghiệp, siêu thị đều chuẩn bị nguồn hàng khá lớn, phong phú chủng loại, mẫu mã với nhiều mức giá phù hợp với túi tiền người tiêu dùng. Các sàn thương mại điện tử, trang mua bán trên mạng hoạt động nhộn nhịp. Tại các chợ đầu mối, chợ trung tâm, các tiểu thương cũng có sự chuẩn bị sẵn sàng, nhưng vẫn “nghe ngóng” tình hình dịch COVID-19 và tín hiệu thị trường để nhập hàng. Đó cũng là cách “thích ứng” linh hoạt trước diễn biến dịch bệnh phức tạp của tiểu thương trong mùa kinh doanh tết năm nay, vừa không để mất cơ hội kinh doanh, vừa tránh hàng hóa ứ đọng.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực của thị trường, một vấn đề nóng, dai dẳng nhiều năm, nhất là dịp cuối năm đó là tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ các loại hàng cấm, hàng kém chất lượng càng gia tăng. Những vụ vận chuyển pháo trái phép, rượu, thuốc lá nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… được các cơ quan chức năng liên tục phát hiện gần đây cho thấy, những kẻ làm ăn bất chính không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả chống người thi hành công vụ. Hệ lụy không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà sức khỏe và tính mạng của người dân bị đe dọa, gây tâm lý bất an cho xã hội…
Điều đáng lưu tâm, trong dịp tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm khá lớn, từ thực phẩm tươi đến thực phẩm chế biến nên vấn đề an toàn thực phẩm càng phải được kiểm soát chặt chẽ. Hiện thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng đa dạng về chủng loại, từ thịt, cá, tôm có dư lượng các chất cấm, ôi thiu đến rau củ có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và xuất hiện ở hầu hết các khâu, từ sản xuất, chăn nuôi đến khâu chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Chưa nói đến một số cơ sở sản xuất, tư thương vì lợi nhuận, cố tình làm ăn gian dối, đưa ra thị trường một số loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, thì ngay ở khâu sản xuất cũng đã có nhiều bất cập. Bởi quy mô sản xuất nông nghiệp ở nước ta đa phần sản xuất theo nông hộ, cá thể nên rất khó kiểm soát chất lượng hàng nông, lâm, thủy sản. Việc chế biến thực phẩm, nhất là những sản phẩm “nhà làm” và làm theo mùa vụ, phục vụ tết cũng trong tình trạng tương tự nên khó đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để giải quyết tận gốc vấn đề này, bên cạnh các chế tài cần cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện để người dân tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn và áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến, đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm. Mới đây UBND tỉnh ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững. Theo đó, vấn đề cần chú trọng là thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình quản lý chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, vì lợi ích của chính người sản xuất.
Hoàng Minh