Tạp chí khoa học được nâng điểm giúp cho các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu

Tín hiệu vui

Gần cuối năm 2021, Văn phòng HĐGSNN thông báo Quyết định của Chủ tịch hội đồng về việc phê duyệt danh mục TCKH được tính điểm năm 2021. Đáng chú ý, các TCKH ĐH Huế (6 tạp chí) và TCKH các trường thành viên (7 tạp chí) đã được 24/28 hội đồng giáo sư ngành/liên ngành đề nghị cho điểm, trong đó nhiều tạp chí được xét nâng điểm cao hơn mức điểm năm 2020.

TS. Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐH Huế, Quyền Tổng Biên tập TCKH ĐHH cho biết, TCKH ĐH Huế: Khoa học tự nhiên (chuyên san Khoa học tự nhiên của TCKH ĐH Huế) được các Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành đánh giá cao và đề nghị cho các mức điểm 0-0.75, 0-1.0 và 0-1.25 do tạp chí này chính thức gia nhập cơ sở dữ liệu trích dẫn Đông Nam Á (ACI) năm 2020. Năm 2021, có 6 hội đồng quyết định nâng mức tính điểm lên một bậc (so với năm 2020) cho các TCKH ĐH Huế và 5 hội đồng cho mức điểm tối đa 0.75 (hội đồng Vật Lý, Hóa học - Công nghệ thực phẩm, Giáo dục học, Văn học, Dược học). Các TCKH ĐH Huế khác như TCKH ĐH Huế: Khoa học xã hội và nhân văn, Kỹ thuật và Công nghệ, Kinh tế và Phát triển, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… được một số hội đồng nâng mức điểm lên 0-0.5 từ năm 2021.

Hai năm qua, nhiều tạp chí của các trường thành viên ĐH Huế cũng được các hội đồng đánh giá cao, trong đó Tạp chí Khoa học & Công nghệ nông nghiệp của Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế được Hội đồng Nông nghiệp và Lâm nghiệp đề nghị cho mức điểm tối đa 0.75 và Hội đồng Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản cho mức điểm tối đa 0.5 từ 2021. Tạp chí Y Dược của Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế được Hội đồng ngành Y học cho 0-1.0 điểm và Hội đồng ngành Dược học cho 0-0.75 điểm từ năm 2020. “Việc Tạp chí Khoa học & Công nghệ nông nghiệp của nhà trường được nâng điểm giúp các nhà khoa học công bố các kết quả nghiên cứu của mình. Bên cạnh đó còn tạo thuận lợi tuyển sinh và đào tạo sau ĐH”, GS.TS. Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học & Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Nông Lâm khẳng định.

Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, với kết quả xét duyệt vừa qua của HĐGSNN, TCKH ĐH Huế: Khoa học Tự nhiên có thể tự tin tiến đến nộp hồ sơ lên Hội đồng Quỹ Khoa học và Công nghệ quốc gia NAFOSTED xét công nhận là tạp chí trọng điểm quốc gia trong năm 2022. Còn với kết quả nhiều hội đồng cho điểm các tạp chí của ĐH Huế từ 0-0.75 trở lên thì các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh của ĐH Huế và của các cơ sở giáo dục ĐH trong nước sẽ có thêm cơ hội để trao đổi chuyên môn, công bố các kết quả nghiên cứu và giao lưu khoa học tốt hơn.

Vươn ra thế giới

Thời gian qua chứng kiến những dấu ấn trong công tác tái cấu trúc của ĐH Huế. Không chỉ tái cấu trúc bộ máy, ngành nghề đào tạo, ĐH Huế cũng nỗ lực tái cấu trúc các TCKH, tiếp tục đầu tư có trọng điểm phục vụ lộ trình phát triển của các tạp chí để tương lai không xa có thể hội nhập với khu vực và thế giới; phục vụ sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của ĐH Huế và góp phần xây dựng ĐH Huế thành ĐH quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Nhìn lại năm 2019 và 2020, TCKH ĐH Huế: Khoa học tự nhiên để chuẩn bị gia nhập cơ sở dữ liệu trích dẫn Đông Nam Á (ACI) đã phải nghiên cứu các tiêu chí của hội đồng đánh giá rất kỹ lưỡng và có kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn cũng như có các chuẩn bị mang tính tích lũy qua từng quý, từng năm; tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia qua nhiều kênh và các các mối quan hệ ngoại giao, liên kết hợp tác để nâng cao năng lực của tạp chí trong bối cảnh hội nhập sâu rộng trong khu vực và trên thế giới.

Định hướng phát triển của TCKH ĐH Huế là tiến tới gia nhập Danh mục trích dẫn các nguồn mới nổi (ESCI) trong giai đoạn 2022 - 2030. Để làm được điều đó, ĐH Huế đang nỗ lực tận dụng kinh nghiệm từ nhiều đơn vị nhằm nâng cao chất lượng xuất bản TCKH trong nước, đáp ứng tiêu chí các tổ chức chỉ mục uy tín trên thế giới, đồng thời giúp các nhà khoa học tiếp cận với công bố quốc tế. Cùng với việc tổ chức hội thảo “Kinh nghiệm phát triển TCKH trong nước”, ĐH Huế cũng kêu gọi hình thành mạng lưới liên kết, hợp tác của các tạp chí trong nước để cùng hỗ trợ nhau trong quá trình “vươn ra biển lớn”, quá trình quốc tế hoá các TCKH và sắp tới sẽ tận dụng các cơ hội, kết nối các mối quan hệ để phát triển.

Theo TS. Đỗ Thị Xuân Dung, giai đoạn 2023 - 2026, TCKH ĐH Huế sẽ nỗ lực tham gia dự án nâng cao năng lực để gia nhập cơ sở dữ liệu trích dẫn Scopus. ĐH Huế nói chung và TCKH ĐH Huế nói riêng sẽ liên kết với các tạp chí trong nước và thế giới để đảm bảo các tiêu chí, có chính sách thu hút nguồn bài, đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện năng lực hệ thống biên tập và có các chính sách ngoại giao tạo thuận lợi cho mục tiêu vươn tầm…

Bài, ảnh: Hữu Phúc