Ông Văn Thanh bị thiệt hại nặng tài sản do tàu cá của ông bị tàu hàng đâm chìm

Thiệt hại lớn

Từ năm 2019 đến nay có khoảng 5 vụ đâm va trên biển với các mức độ, tính chất nghiêm trọng khác nhau. Ngoài những vụ tai nạn có thể tự thỏa thuận đền bù, vẫn còn đó những vụ việc gây khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Đặc biệt, trong đó là sự va chạm giữa tàu cá ngư dân và các tàu hàng mà bao giờ phần “thua thiệt” ngư dân cũng phải gánh chịu.

Ngày 7/12/2021, tàu cá mang số đăng ký TTH-90154-TS, do ông Trần Minh Phú (trú xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) làm chủ tàu, bị chìm tại khu vực phía đông đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị, 12 thuyền viên được ngư dân, lực lượng chức năng đưa vào bờ an toàn. Chủ tàu cá cho rằng, tàu mình bị tàu hàng đâm chìm, Cơ quan Hàng hải Việt Nam đang tiến hành điều tra theo thẩm quyền, hiện chưa kết luận có đâm va tàu hàng hay không và nguyên nhân của vụ tai nạn cũng đang được làm rõ.

Theo Sở NN&PTNT, trong vòng ba năm trở lại đây có 1 trường hợp tàu ngư dân va chạm tàu hàng đã có kết luận của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn. Cụ thể, vào lúc 11 giờ 4 phút ngày 14/8/2021, tàu cá mang số đăng ký TTH-92206-TS, do ông Văn Thanh (trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) làm chủ tàu bị tàu hàng container Green Pacific đi từ phía sau đâm va tại khu vực phía đông bắc đảo Cồn Cỏ.

Vụ đâm va gây chìm đắm hoàn toàn tàu cá TTH-92206-TS, làm 2 người bị mất tích đến nay không tìm ra, 4 người bị thương nặng, 3 người bị thương nhẹ. Nguyên nhân được xác định do tàu hàng đi vận tốc cao, cả 2 Radar trên buồng lái tàu container đều không phát hiện mục tiêu tàu cá (từ 26 phút trước khi tai nạn xảy ra) và do người lái tàu hàng không cảnh giới phía trước bằng mắt thường.

Ông Văn Thanh - chủ tàu cá bị nạn cho biết, báo cáo điều tra tai nạn hàng hải đâm va giữa tàu hàng container Green Pacific và tàu cá TTH-92206-TS cho thấy, tàu hàng là tàu vượt lên từ phía sau, đâm vào mạn phải phần đuôi tàu cá, các vết bong tróc mũi tàu hàng và vị trí tương quan giữa 2 tàu trước đâm va rất rõ ràng. Đáng ra tàu hàng đã xác định nhìn thấy tàu cá phía trước từ rất lâu- 26 phút trước và từ rất xa 5 hải lý - qua cả 2 radar trên tàu và bằng mắt thường để điều khiển vượt qua an toàn.

“Vụ việc gây thương vong cho 9 ngư dân chúng tôi cùng 20 tấn hải sản thất thoát. Thiệt hại về tài sản đã rõ, thiệt hại về con người khi đến nay 2 ngư dân vẫn chưa tìm thấy được thi thể. Gia cảnh các ngư dân hiện rất khó khăn. Chúng tôi đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng để được đền bù”, ông Thanh nói.

Phối hợp xử lý

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân xảy ra va chạm giữa tàu cá ngư dân và tàu hàng là do vùng ngư trường của các ngư dân đánh bắt hải sản nằm trên luồng hàng hải nên các phương tiện tàu hàng hoạt động nhiều. Các vụ đâm va vào ban đêm phần lớn do tàu cá ngư dân khi thả lưới xong thường tắt máy nghỉ ngơi, không cắt cử người trực canh, khi đi đâm va bất ngờ không kịp trở tay.

Các phương tiện tàu vận tải thường có mớm nước sâu, trọng tải lớn nên khi va chạm với tàu cá khó nhận biết tai nạn xảy ra để cứu hộ cứu nạn. Tàu hàng có hệ thống lái tự động, khi thủy thủ cài đặt hệ thống này, quá trình lái tàu do ngủ quên không quan sát dẫn đến va chạm. Phần lớn các tàu đánh bắt hải sản của ngư dân ra khơi thường đi đơn lẻ, không thành tổ đội, trong khi thời gian bị tàu hàng đâm chìm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Các vụ việc xảy ra, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã kịp thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, tổ chức điều tra xác minh ban đầu, cấp cứu các thuyền viên bị nạn đồng thời bàn giao hồ sơ vụ việc cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Hàng năm, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tổ chức tuyên truyền, chuyển tải nội dung về biển đảo và chủ quyền biển đảo Việt Nam; pháp luật quốc tế về biển, một số nhiệm vụ giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Theo Sở NN&PTNT, để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, cứu hộ cứu nạn trên biển, chính quyền địa phương cũng đã khuyến khích, hỗ trợ thành lập các mô hình sản xuất theo nhóm, tổ đội sản xuất trên biển. Các chi hội nghề cá đã hình thành và hoạt động hiệu quả từ nhiều năm nay. Thời gian tới, Sở NN& PTNT phối hợp chính quyền địa phương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo sản xuất khai thác hải sản trên biển nhằm tàu cá hoạt động an toàn, hiệu quả hơn.

Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Trường đại học Nha Trang đã tổ chức các lớp đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và thợ máy cho các thuyền viên có nhu cầu. Từ năm 2019 đến năm 2021 đã tổ chức 9 lớp với tổng số 505 học viên tham dự. Thông qua các lớp đào tạo này, các thuyền viên tàu cá được nâng cao được kiến thức pháp luật về hàng hải, những yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn tàu cá và thuyền viên trên tàu khi ra khơi khai thác hải sản.

Bài, ảnh: Nguyễn khánh