Vợ chồng chị Mai rửa sạch, phân loại mực để sơ chế
Chị Trần Thị Mai, sinh ra tại làng biển, từ nhỏ đã gắn với con tôm, con cá. Khi còn thanh niên chị cũng phụ việc đóng gói hải sản ở các cảng cá. Sau khi lấy chồng, nhận thấy tiềm năng từ nghề chế biến hải sản khô, hai vợ chồng chị đứng ra thu mua hải sản tươi và tự chế biến để bán lại cho các mối sỉ.
Những ngày đầu tháng Chạp, ghé thăm nhà chị Mai, khi cả hai vợ chồng chị đang tất bật làm hàng tết. Nào là cấp đông mực tươi, xẻ mực để làm mực một nắng, rồi làm cá thởn một nắng, cá nục khô… Mùi cá nướng tỏa ra thơm phức trên những bếp than đỏ rực.
Chị nhớ lại, hai vợ chồng chị bắt đầu làm nghề này cũng hơn chục năm rồi, mới đầu việc chế biến hải sản khô ở quy mô nhỏ lẻ, vốn ít nên mỗi ngày chỉ thu mua và chế biến 2-3 tạ cá, mực tươi, bỏ công ra làm lấy lãi. Rồi thời tiết thất thường, việc chế biến hải sản khô làm chủ yếu trong mùa nắng,.
Nhưng dần dà, càng làm chị càng có kinh nghiệm, thay vì chỉ làm hải sản khô, chị làm thêm hải sản tươi cấp đông, hải sản nướng, phơi một nắng; như vậy sẽ chủ động được nguồn hàng cho các mối sỉ mà không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Nhưng để làm được những mặt hàng đó, chị phải đầu tư kho cấp đông và tủ đông chuyên dụng. Thị trường hải sản khô, hải sản một nắng cấp đông ngày càng được ưa chuộng, nhất là các năm bùng phát dịch nên chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô.
Với lợi thế nguồn hải sản của làng biển dồi dào, tươi ngon, giá tận gốc đó cũng là điểm cốt lõi để có thể chế biến ra được những con mực, cá khô ngon, chất lượng.
Với mong muốn làm giàu, đưa thương hiệu hải sản khô, hản sản qua sơ chế của Huế đến với thị trường khắp các tỉnh, chị đã tự tìm hiểu về các kỹ thuật chế biến thủy hải sản, và tìm hiểu những mặt hàng hải sản mình có thể làm được để tạo nên sự đa dạng trong các mặt hàng bán ra.
Bằng vốn kinh nghiệm tích lũy được cùng với sự mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm trang thiết bị như: Quạt điện, tủ đông, kho đông, giàn phơi cá, lò nướng, sấy, để mùa nào cũng có thể chế biến được.
Mặc dù hải sản khô và hải sản đã qua sơ chế, nhưng những sản phẩm của cơ sở chị Mai luôn được đảm bảo về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, tiếng lành đồn xa nên bạn hàng tìm đến cơ sở chị Mai ngày càng nhiều. Nhờ đó, việc chế biến hải sản khô của gia đình chị ngày càng phát triển.
“Muốn mở rộng quy mô thì mình phải thâm nhập vào thị trường, bên cạnh việc quảng cáo hàng trên mạng, tôi cũng đã tự tìm thị trường ở các chợ và cửa hàng bán hải sản khô để giới thiệu hàng. Với phương châm “lấy công làm lãi”, bán số lượng lớn là chính nên tôi chỉ lấy lời 1kg hải sản khô, qua sơ chế 10-20 ngàn đồng. Dù lời ít, lời nhiều hải sản phải luôn tươi ngon, sơ chế sạch sẽ, chất lượng đặt lên hàng đầu”, chị Mai chia sẻ.
Nhờ chú trọng chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm, hải sản khô của chị Mai đã trở nên nổi tiếng không chỉ tại Huế mà đang dần đi vào thị trường toàn quốc, nhất là thị trường miền Nam.
Không những doanh thu tăng, xây dựng được cơ ngơi khang trang, cơ sở chế biến hải sản của chị Mai đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động với mức thu nhập bình quân từ 200-300 ngàn đồng/ngày.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động mà còn góp phần gây dựng thương hiệu hải sản khô, sơ chế của Phú Diên, Phú Vang, trở thành địa chỉ tin cậy của khách sỉ và lẻ nhiều nơi.
Bài, ảnh: Thảo Vy