Kinh tế Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2022 với mức tăng trưởng GDP dự báo đạt mức 5,5% (năm 2021 là 2,58%). Đây là thông tin được Ngân hàng Thế giới đưa ra tại buổi họp báo trực tuyến, công bố báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 1/2022" được tổ chức cuối tuần qua.
Nhìn lại tình hình kinh tế trong năm 2021, chúng ta đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát. Với phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt vào đầu quý IV, khi Nghị quyết 128/NQ-CP về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ ra đời, kinh tế đã được phục hồi nhanh chóng. Khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2021 đã phục hồi khá nhanh chóng, với mức tăng trưởng GDP ước đạt 5,22% (cao hơn tốc độ tăng 4,61% của quý IV/2020). Ấn tượng cả năm có thể kể đến là kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt mức kỷ lục mới, với tổng giá trị 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020.
Hòa chung cùng cả nước, kinh tế Thừa Thiên Huế trong năm qua cũng có nhiều điểm sáng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 4,36%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.022 triệu USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 10.206 tỷ đồng, vượt 68,3% dự toán, tăng 12% so với thực hiện cùng kỳ.
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế ngoài sự nỗ lực chung của Chính phủ, chính quyền các địa phương và các bộ, ngành liên quan… còn thể hiện tính năng động của thị trường và năng lực thích ứng, sáng tạo của các doanh nghiệp.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với gói hỗ trợ 64.000 tỷ đồng giảm thuế, phí, lệ phí trong năm 2022; 176.000 tỷ đồng chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển: 5.000 tỷ đồng cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ lãi suất cho các chương trình tín dụng chính sách, hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm. Cùng với sự hỗ trợ thêm từ chính quyền các địa phương, sự đồng hành cùng với doanh nghiệp, việc bao phủ của vắc-xin phòng dịch COVID-19… chắc chắn hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả, góp phần tăng trưởng chung cho nền kinh tế.
Trong sự tăng trưởng chung đó, giá trị xuất khẩu đã giữ vai trò quan trọng. Theo đánh giá, điểm sáng nổi bật trong xuất khẩu thời gian qua là các doanh nghiệp đã tận dụng rất hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), giúp thị trường xuất khẩu mở rộng, đáp ứng yêu cầu các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… Tuy nhiên, nhìn lại bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, nhất là việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ. Hàng ngàn phương tiện chở nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc, khi nước bạn đang tạm ngưng nhập khẩu để kiểm soát dịch bệnh, khiến doanh nghiệp và nông dân điêu đứng. Sau sự nỗ lực từ 2 phía thông qua đàm phán, hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đã thông quan trở lại; song được không bao lâu thì giờ lại có thông báo tạm ngừng đưa hàng nông sản lên biên giới vì lực lượng chức năng tại cửa khẩu phía bạn nghỉ sớm để đón Tết…
Bên cạnh những thế mạnh vốn có cần tiếp tục phát huy hiệu quả thì những tồn tại như đã nêu cần có hướng khắc phục, để hàng hóa nông sản nói riêng và các mặt hàng khác nói chung được tiêu thụ một cách bền vững, góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và GDP không chỉ 5,5% mà còn cao hơn.
Đặng Thành