Vợ chồng chị Thủy, anh Thọ chăm sóc vườn ươm giống keo

“Đa năng”, là cách nói bày tỏ sự thán phục của nhiều người dân trên địa bàn dành cho vợ chồng chị Thủy, anh Thọ. “Vợ gây dựng, phát triển có hiệu quả cơ sở kinh doanh đá hoa cương Lộc Phú, chồng phát triển Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và thương mại Trường Hà. Cả hai vợ chồng Thủy - Thọ đổ mồ hôi trên hơn 10 nghìn m2 đất để phủ xanh và chuyển đổi những giống cây ăn trái giá trị cao; đồng thời chăm sóc bàu sen diện tích 11 sào, vừa làm kinh tế vừa làm đẹp cảnh quan Vinh Thanh. Đây cũng là điểm check in hấp dẫn đối với du khách. Vợ chồng Thủy - Thọ thường xuyên đồng hành cùng địa phương trong các hoạt động thiện nguyện, chung tay vì cộng đồng” - chị Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Vinh Thanh cho biết. 

Chị Trần Thị Thủy chia sẻ, trước đây làm nghề kinh doanh dịch vụ ăn uống tại bãi biển Vinh Thanh. Khi địa phương triển khai thu hồi mặt bằng (cũng là thời điểm hộ kinh doanh chị Thủy hết vòng đấu), để chỉnh trang, xây dựng bãi tắm mới (sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tổ chức đấu thầu lại), chị Thủy không muốn để thời gian “chết”, nên mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề, sử dụng số vốn tích cóp được, thành lập cơ sở kinh doanh đá hoa cương Lộc Phú.

“Người anh làm thợ đá hoa cương, thường đến thi công tại các công trình, các hộ gia đình, là sự thuận lợi ban đầu. Tôi tìm hiểu về thị trường và những yếu tố liên quan để gây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh buôn bán mặt hàng này. Tôi luôn tự dặn mình, ngoài kiến thức, kỹ năng, làm bất cứ điều gì cũng cần phải đảo bảo chất lượng tốt nhất, bảo đảm chữ tín” - chị Thủy nhớ lại.

Gây dựng được uy tín nên công việc kinh doanh đá hoa cương ngày càng phát triển. Chị Thủy đầu tư 150 triệu đồng mua máy cắt, mài, bo đá (sắp tới sẽ đầu tư 200 triệu đồng mua máy cẩu) để công việc “chạy” nhanh và đảm bảo độ tinh xảo. Khách hàng hài lòng “mách miệng” nhau, nên chị Thủy mở rộng được thị trường đến địa bàn các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, TP. Huế, ngày càng tạo việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Tốt nghiệp ngành xây dựng cầu đường, cùng với kinh nghiệm tích lũy được trong những năm làm giám sát các công trình xây dựng, anh Thọ tự tin thành lập Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và thương mại Trường Hà. Nhận thấy hoạt động xây dựng rất cần máy múc, anh Thọ vay mượn mua 1 chiếc. Để đáp ứng khối lượng công việc, mỗi năm anh Thọ mua thêm 1 xe múc, đến nay tổng số là 4 chiếc xe múc. Hoạt động hiệu quả, công ty đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

“Điều đáng quý là, sau thiên tai bão lũ, anh Thọ sẵn sàng đưa xe múc giúp khắc phục đường sá trên địa bàn, hoặc giúp nạo vét khe mương cho cụm dân cư nơi cư trú. Mỗi khi UBMTTQVN xã Vinh Thanh hoặc các trường học kêu gọi đóng góp để giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, giúp học sinh nghèo hiếu học vượt khó, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư…, vợ chồng anh Thọ đều nhiệt tình hưởng ứng, hỗ trợ với những số tiền khá lớn” - Chủ tịch UBMTTQ xã Vinh Thanh cho biết.

Vợ chồng chị Thủy, anh Thọ bày tỏ rằng, đồng thời với phát triển kinh tế gia đình, chị Thủy, anh Thọ cố gắng chung tay đóng góp cùng cộng đồng, xuất phát từ tình yêu đối với quê hương Vinh Thanh. Dù bận rộn với công việc kinh doanh, vợ chồng chị Thủy, anh Thọ chưa bao giờ xao nhãng đối với công việc nhà nông- công việc của cha mẹ, những đời trước tảo tần để nuôi dưỡng thế hệ con cháu trưởng thành.

Chị Thủy, anh Thọ chia sẻ: “3-4 giờ sáng, vợ chồng tôi đã có mặt trên 10 ngàn m2 đất, chăm sóc cây cối. Trước kia, gia đình tôi trồng sắn xen ghép tràm. Gần đây, chúng tôi bắt đầu chuyển đổi giống cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngoài ươm keo lưỡi liềm để cung cấp cây giống trồng rừng phòng hộ, chúng tôi trồng ổi, đu đủ, mãng cầu, xoài… Trên 10 nghìn m2, hiện chúng tôi đang múc đất, đào ao với diện tích 500m2 để nuôi cá rô đầu vuông...”

Bài, ảnh: Quỳnh Anh