Sợi - dệt may, lĩnh vực xuất khẩu cần nhiều vốn
Ngân hàng, điểm tựa cho doanh nghiệp
Theo ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Thừa Thiên Huế, hai năm tổn thương vì đại dịch, khoảng 95% trong số gần 7.000 DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh phải gồng mình để cầm cự, ứng phó. Song phải thừa nhận, ngay khi dịch bùng phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) tạm thời chưa chuyển nhóm nợ; sau đó là ban hành chính thức Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến nay, thông tư đã thay đổi tới lần thứ 3; và mới đây nhất là Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung Thông tư 01. Điều đó cho thấy, ngành ngân hàng (NH) đã vào cuộc rất sớm nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Giám đốc VietinBank Thừa Thiên Huế - ông Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: Với sự đồng hành, “cộng sinh” của hệ thống NH, nhiều DN có thể từng bước vượt qua khó khăn. “Chúng tôi xác định hỗ trợ DN cũng là hỗ trợ chính mình. Bởi những hỗ trợ này đều xuất phát từ nguồn lực của chính các NH, trong khi NH cũng là một DN, cũng đang chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19. Ngoài hoạt động kinh doanh bị sụt giảm, các NH còn đối mặt với rủi ro nợ xấu đang có xu hướng tăng, buộc các NH phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, lợi nhuận vì thế cũng bị bào mòn đáng kể”, ông Hà nói.
Thống kê từ NHNN Thừa Thiên Huế, đến nay, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hơn 15.550 tỷ đồng với khoảng 1.600 khách hàng. Trong đó, có khoảng 150 DN đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu gần 1.600 tỷ đồng. Các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 45.000 khánh hàng; trong đó có gần 1.000 DN với tổng dư nợ gần 22.000 tỷ đồng; số tiền lãi đã được miễn, giảm, hạ lãi suất hơn 80 tỷ đồng. Nhờ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ nên hiện đang có khoảng 350 khách hàng; trong đó có gần 100 DN với tổng dư nợ khoảng 4.500 tỷ đồng; số dư nợ không bị chuyển sang nợ xấu hơn 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, các TCTD cũng đã chủ động cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với doanh số cho vay trên 27.000 tỷ đồng; số khách hàng còn dư nợ đến nay khoảng 6.600 khách hàng; trong đó có gần 550 DN.
Ông Trương Công Lân, Giám đốc NH Chính sách xã hội (VBSP) Thừa Thiên Huế thông tin, từ tháng 3/2020 - thời điểm dịch bùng phát, tại NH này đã có 800 khách hàng được gia hạn nợ với tổng dư nợ trên 15 tỷ đồng. VBSP tỉnh cũng đã cho vay để trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg đối với người lao động của 2 DN với doanh số cho vay 440 triệu đồng và số lao động được chi trả gần 220 người. Hiện nay, VBSP Thừa Thiên Huế đang triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD) theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với doanh số cho vay 515 triệu đồng đối với 44 DN và số lao động được chi trả khoảng 155 người.
Tập trung tín dụng lĩnh vực ưu tiên
Giám đốc Công ty TNHH TMDV Vĩnh An - ông Hồ Văn Khánh thừa nhận: “Không thể phủ nhận sự cộng sinh, tương hỗ của NH trong thời gian qua. Song cộng đồng DN tự nhận thấy, các hoạt động hỗ trợ hiện nay của ngành NH đang làm, xét về bản chất là DN hỗ trợ cho DN, giảm lãi, phí. Tuy nhiên, để được vay mới phát triển SXKD, không hề dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất thấp như hệ thống NH thông tin, trong khi DN đã cố gắng hết sức trong khả năng vốn có của mình; đặc biệt là tiêu chí tài sản thế chấp…”.
Xuất khẩu thủy sản, một trong những lĩnh vực được ưu tiên vốn
Theo ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc phụ trách NHNN Thừa Thiên Huế, quan điểm của NHNN là không cào bằng, DN nào khó khăn nhiều thì giảm nhiều, khó khăn ít thì giảm ít để chia sẻ với khó khăn chung của nền kinh tế. Trên địa bàn tỉnh có 16 NH đồng thuận giảm lãi suất cho vay các khoản dư nợ hiện hữu vì đại dịch COVID-19, với mức giảm từ 0,5-1,5%, áp dụng từ giữa tháng 7 năm 2021 hướng đến khách hàng là DN; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực SXKD ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; ứng dụng công nghệ cao. NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chính sách, giải pháp đang thực hiện hỗ trợ tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn phục hồi nền kinh tế ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tại diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho DN phục hồi SXKD” được tổ chức ở Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam cho rằng, khi xác định sống chung với dịch bệnh, cần có cơ chế đặc biệt để có thể hỗ trợ DN. Việc các TCTD tiếp tục cho DN vay cần phải được xem xét trong điều kiện riêng có, vì vậy, cần có cơ chế đặc biệt để các TCTD xem xét hỗ trợ DN.
Ông Hùng phân tích, chính sách tiền tệ đang hỗ trợ DN bằng tiền của các NH, thực chất đây là DN hỗ trợ DN. Do vậy, chính sách tài khóa cần có sự chia sẻ. Chính phủ có thể phát hành trái phiếu hoặc vay NH Trung ương, phối hợp với chính sách tiền tệ đồng bộ để người dân và DN tiếp cận được; qua đó có nguồn lực để hỗ trợ DN vượt giai đoạn khó khăn. Cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế và lãi suất, để cộng đồng DN từng bước phục hồi, các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ và thống nhất để những chính sách này cộng hưởng sức mạnh.
Bài và ảnh: Bạch Quang