Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh IOC - “Trái tim” của Đô thị thông minh Huế

Công nghệ nền tảng

Hue-S là ứng dụng nền tảng di động được xây dựng theo hướng super App (siêu ứng dụng trên nền tảng di động) với định hướng một ứng dụng duy nhất tích hợp. Vì vậy, Hue-S vừa triển khai các dịch vụ đô thị thông minh (ĐTTM) phục vụ người dân, doanh nghiệp vừa ứng dụng Chính quyền số phục vụ công tác chuyển đổi số trong cơ quan Nhà nước.

Theo ông Bùi Hoàng Minh, Giám đốc Trung tâm Giám sát, điều hành ĐTTM – IOC, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các hình thức chuyển tải, kết nối, tương tác thông tin trên môi trường số rất đa dạng, phong phú với nhiều hình thức và kênh thông tin khác nhau. “Tuy nhiên, mặt trái của nó là sự rối loạn kênh thông tin, nguồn tin cũng như độ chính xác của thông tin. Đặc biệt, khả năng bảo mật thông tin cá nhân ở nguy cơ cao ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp… Vì vậy, “Hue-S đã giải quyết cơ bản các bất cập đó bằng nền tảng một ứng dụng duy nhất có thể tích hợp các thông tin, xác thực tài khoản một lần, kết nối các dịch vụ công, công ích, sự nghiệp” - ông Minh nói.

Đến nay, đã có hơn 10 tập đoàn lớn của Việt Nam, doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh tích hợp Hue-S, như: Viettel, VNPT, AIC, BKAV; Công ty FITC, Caro, VietsoftPro, Phi Long, Vlap…

Ngoài ra, Trung tâm IOC cũng đã chủ động tích hợp nhiều chức năng, như thông báo, cảnh báo, giao thông di chuyển… và phân hệ ứng dụng Chính quyền số trên nền tảng ứng dụng Hue-S phục vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.

Với gần 30 chức năng được triển khai trên ứng dụng Hue-S, trong đó, nổi bật là các chức năng “phản ánh hiện trường” với việc tiếp nhận các ý kiến của người dân, kết nối với cơ quan chức năng để xử lý và tương tác với công dân. Đến nay, phản ánh hiện trường trên Hue-S đã tiếp nhận trên 50.111 phản ánh, với 227 cơ quan, đơn vị tham gia xử lý. Tính riêng năm 2021 đã có gần 1,2 triệu lượt truy cập sử dụng, tiết kiệm khoảng 7,7 tỷ đồng chi phí nhân công tiếp nhận, in ấn giấy tờ.

Bên cạnh đó, với trên 3.000 bản tin được phát trên “thông báo cảnh báo”, chức năng được đánh giá là kênh “truyền thông số” đặc biệt thu hút số lượng lớn người quan tâm. Chức năng “giáo dục đào tạo” tạo kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, học sinh có hơn 105 ngàn người thường xuyên tương tác. Chức năng “chống bão lụt” ghi nhận hơn 601 ngàn lượt truy cập trong mùa mưa bão của tỉnh. Đặc biệt, trong chức năng “chống dịch bệnh”, Hue-S đã hoàn thiện trên 20 chức năng chống dịch cho người dân trên nền tảng di động, với gần 8,3 triệu lượt truy cập trên ứng dụng…

Theo thống kê, đến nay, số lượng người đăng ký tài khoản sử dụng Hue-S đạt 867.589 trên tổng số người dân Thừa Thiên Huế có sử dụng smartphone là 680.756 (đạt 144%). Trong năm 2021, đã có gần 17,4 triệu lượt truy cập sử dụng các chức năng trên Hue-S.

Lấy người dân làm trung tâm

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, nguyên nhân Hue-S thu hút được lượng lớn người dân trong và ngoài tỉnh cài đặt và truy cập vì các dịch vụ được triển khai trên Hue-S không phải những dịch vụ “cao siêu” mà tất cả đã có khảo sát, đánh giá mức độ quan tâm của người dân để ưu tiên triển khai.

Nhân viên Trung tâm IOC trả lời phản ánh, thắc mắc của người dân qua Hue-S

“Chúng tôi sử dụng phương thức lấy một ứng dụng dịch vụ làm trọng tâm, trọng điểm thu hút người dân, doanh nghiệp quan tâm làm cầu nối để mở rộng các dịch vụ khác. Từ đó, đánh giá mức độ quan tâm của người dân để có những định hướng, ưu tiên phù hợp với thực tiễn. Thông qua ứng dụng Hue-S và các chức năng góp ý, đội ngũ kỹ thuật không chỉ hoàn thiện về mặt ứng dụng, mà các dịch vụ đang được triển khai cũng hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng được những mong mỏi của người dân”, ông Sơn nói.

Sau 3 năm đi vào hoạt động, Hue-S thu hút ngày càng nhiều ý kiến, tương tác của người dân, doanh nghiệp; đồng thời cung cấp được những thông tin, dịch vụ cơ bản căn cứ vào nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Sở TT&TT, so với kỳ vọng thì số lượng thông tin, dịch vụ để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân hay một số dịch vụ, tiện ích đáp ứng thị hiếu người dùng chưa nhiều. Ngoài phản ánh hiện trường thì các dịch vụ có tính tương tác và hỗ trợ “tiện ích số” còn hạn chế, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển chuyển đổi số hiện nay.

Thời gian tới, bên cạnh tăng cường các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ĐTTM, “chúng tôi sẽ đánh giá, chuẩn hóa lại quy trình số trong vận hành các dịch vụ ĐTTM, tăng cường công tác tích hợp ứng dụng, dịch vụ số của Nhà nước lên Hue-S. Phát huy các kết quả tích hợp các nền tảng dùng chung, mở rộng mô hình dịch vụ số và đẩy mạnh tương tác số hướng đến xây dựng mạng xã hội Hue-S. Đồng thời, tích hợp nền tảng Hue-S với các nền tảng quốc gia, trục liên thông, hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung”, ông Sơn chia sẻ.

Bài, ảnh: Liên Minh