Động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đóng góp cho ngành KH&CN năm 2021 

Bồi đắp thêm những lợi thế, tiềm năng

Năm 2021 được xem bản lề, thực hiện đề án đưa Huế sớm trở thành trung tâm khoa học công nghệ của cả nước vào giai đoạn 2025 - 2030. Dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành KH&CN vẫn thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. 

Trọng tâm là công tác quản lý chuyên ngành KH&CN đạt được nhiều kết quả quan trọng, như đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia và hơn 40 đề tài cấp tỉnh góp phần trực tiếp và gián tiếp tháo gỡ những vấn đề bức thiết kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Bên cạnh đó, đã tham mưu đề xuất Bộ KH&CN phê duyệt các dự án trọng tâm thuộc chương trình nông thôn miền núi, tài sản trí tuệ, phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2030.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều chuyển biến tích cực, chú trọng chuyển giao, ứng dụng các thành tựu KH&CN tiên tiến, phục vụ cho sự phát triển các sản phẩm chủ lực ở địa phương, xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường, hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị...

Bênh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh... có nhiều dự án, đề tài KHCN ứng  dụng công nghệ thông tin trong xây dựng dịch vụ đô thị thông minh, chính quyền điện tử, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế trở thành các trung tâm chuyên sâu của khu vực, cả nước.

Dù ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nhưng năm 2021, Thừa Thiên Huế đã tổ chức thành công hội thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với hơn 54 ý tưởng, dự án của cá nhân, doanh nghiệp tham gia (cao nhất mọi năm), từng bước tạo ra được sản phẩm mới có tính sáng tạo, góp phần xây dựng tinh thần khởi nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội.

Dầu tràm Huế tạo thương hiệu vươn ra thị trường xa

TS. Hồ Thắng, Giám đốc Sở  KH&CN cho biết, hiện nay với sự quan tâm của Chính phủ và bộ, ngành Trung ương, Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện các điều kiện cơ chế đặc thù để hình thành khu công nghệ thông tin tập trung tại Khu đô thị An Vân Dương và thành lập Khu công nghệ cao (CNC) khoảng 1 nghìn ha ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Đây là địa chỉ gắn kết đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao với sản xuất và dịch vụ nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và thương mại hóa công nghệ cao, không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương mà góp phần phát triển kinh tế vùng trọng điểm miền Trung và cả nước, có sức lan tỏa đến các quốc gia lân cận.

"Đang đứng ở thứ hạng nào"?

Đại diện các sở, ban ngành và các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận các vấn đề bức thiết phát triển ngành KH&CN tỉnh nhà trong năm 2022; trong đó, tập trung xây dựng đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm KH-CN của cả nước giai đoạn 2021-2030".

PGS.NGƯT Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng Đại học Huế cho rằng, lộ trình đưa Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN của cả nước đã sáng rõ. Cơ chế chính sách đã được lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, tỉnh nhà quan tâm; tiềm năng, tiềm lực ở Thừa Thiên Huế đứng thứ hạng cao không thua kém ở các tỉnh, thành ở hai đầu đất nước. Để trở thành trung tâm KH&CN, Thừa Thiên Huế phải có sự đột phá; trong đó, phải có sự phối kết toàn diện giữa các cấp ngành, đơn vị Trung ương đứng chân địa bàn để nhìn về một phía, tập trung bổ sung phát triển ngành, lĩnh vực ở địa phương đang khuyết; khai thác tính đặc thù riêng có với lợi thế cạnh tranh cao như du lịch, y tế, khoa học xã hội nhân văn...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá hoạt động ngành KH&CN đã hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 với mục tiêu nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển mạnh mẽ KH&CN, tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, ngành KH&CN cần nhìn nhận bất cập thời gian qua để có giải pháp khắc phục, tháo gỡ có trọng tâm, trọng điểm.

Theo ông Bình, trọng tâm là xác định xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm KH&CN lớn của cả nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, gắn tinh thần Nghị quyết 54 của Chính phủ đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến. Như vậy, phải xác định chữ "lớn" của trung tâm KH&CN ở Thừa Thiên Huế đang đứng ở  đâu, thứ hạng nào trong khu vực, quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế. Trên cơ sở đó, đề ra các nhiệm vụ giải pháp phù hợp mà trước hết phải quyết tâm đổi mới hoạt động, thích nghi ở trạng thái mới, cải cách thủ tục, chuyển đổi số; kiện toàn hoàn chỉnh bộ máy quản lý, hợp tác chặt chẽ các ban ngành, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động, nhiệm vụ ngành KH&CN  thực tế, thực tiễn và hiệu quả...

Bài, ảnh: Minh Văn