Phối cảnh thủ đô mới của Indonesia ở Đông Kalimantan, được đặt tên là Nusantara. Ảnh: Future south east asia

Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa thông báo thủ đô mới sẽ được đặt tên là Nusantara và sẽ được quản lý bởi một chính quyền đặc khu tương đương với cấp tỉnh.

Theo Reuters, dự luật này cung cấp khuôn khổ pháp lý cho dự án đầy tham vọng của Tổng thống Joko Widodo, quy định cách thức tài trợ và quản lý sự phát triển của thủ đô.

“Thủ đô mới có chức năng trung tâm và là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia, cũng như một trọng tâm kinh tế mới”, Bộ trưởng Monoarfa cho biết.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi Dự luật được thông qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani thông báo việc phát triển thủ đô mới gồm 5 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên từ 2022-2024 được xem là quan trọng nhất, tập trung vào việc xây dựng đường sá và các cảng. Giai đoạn cuối sẽ phải hoàn thành vào năm 2045.

Kế hoạch xây dựng thủ đô mới bắt đầu vào năm 2019 khi Tổng thống Joko Widodo thông báo thủ đô của đất nước sẽ được chuyển từ siêu đô thị Jakarta đến tỉnh Đông Kalimantan. Theo Reuters, các kế hoạch di dời chính phủ khỏi Jakarta đã được nhiều đời tổng thống đưa ra, nhưng đến nay mới bắt đầu được thực hiện.

Các nhà chức trách tuyên bố đây là một động thái quan trọng để cứu Jakarta - một siêu đô thị sầm uất với 10 triệu dân, vốn thường xuyên bị ùn tắc, lũ lụt và ô nhiễm không khí, đồng thời phát triển Kalimantan cũng như phần phía đông của Indonesia, khi hầu hết các hoạt động kinh tế của nước này hiện chỉ tập trung ở Java, nơi có thủ đô hiện tại.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á mô tả thủ đô mới sẽ như một “siêu trung tâm” carbon thấp nhằm hỗ trợ phát triển các ngành dược phẩm, y tế và công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java.

Dự án xây dựng thủ đô mới trị giá 466 nghìn tỷ rupiah (tương đương 32 tỷ USD) dự kiến ​​sẽ bắt đầu vào năm 2020 nhưng tiến độ đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani cho biết trong bối cảnh hiện tại, Indonesia vẫn sẽ tiếp tục các ưu tiên cho việc đối phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi. Tuy nhiên, việc phát triển thủ đô mới cũng có thể được coi như một dự án phục hồi kinh tế của đất nước.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)