Đi đâu ở Huế, cũng bắt gặp những hình ảnh hạnh phúc, yêu thương

“Ăn, cầu nguyện và yêu”

Giãn cách vì dịch bệnh, Yến Thanh (du khách Hà Nội) bất chợt đọc được những dòng hồi ký “Eat, pray, love” (Ăn, cầu nguyện và yêu) của nữ nhà văn Mỹ Elizabeth Gilbert, khi biết được từ hồi ký này đã tạo nên xu hướng du lịch xuyên lục địa để khám phá bản thân và cân bằng cuộc sống khi đại dịch COVID-19 xảy ra.

Hồi ký chia sẻ những trải nghiệm về ẩm thực của nước Ý, tâm linh của Ấn Độ và sự yên bình của Bali (Indonesia). Nhưng có cần phải đi xa đến như vậy mới được tận hưởng sự tinh tế của ẩm thực, hòa mình vào không gian tâm linh trong những ngôi đền, dạo bước giữa khung cảnh lãng mạn nhất thế giới? Những “thánh xê dịch” của Agoda và iVIVU tư vấn, không cần phải tới Ý, Ấn Độ hay một nơi đâu xa xôi nào đó trên thế giới, chỉ cần đến Huế, vùng đất Cố đô cổ kính, nơi có đủ các yếu tố để đi tìm sự bình lặng, an nhiên, nơi lý tưởng để “ăn, cầu nguyện và yêu”.

Điều đó như hối thúc Yến Thanh. Dù đã chuẩn bị mọi thứ để đi tuần trăng mật với chồng ở Bình Định, nhưng một buổi tối khi đọc xong hồi ký, Yến Thanh hỏi chồng: “Hay mình đi Huế, em thích ở đấy hơn!”. Và rồi, một cái gật đầu chiều vợ và họ đã thay đổi kế hoạch.

Một cặp đôi đến Huế chụp ảnh cưới

Trong “hồi ký” của Yến Thanh về 1 tuần ở Huế (thời điểm chưa bùng phát đợt dịch thứ 4), đôi bạn trẻ đã cùng nhau đi hết Huế. Mặc áo dài vào Đại Nội chụp ảnh “77,49 góc”. Đi phá Tam Giang ngắm hoàng hôn. Săn mặt trời lúc bình minh ở biển Lăng Cô từ đèo Hải Vân… Ở Huế, muốn ăn gì cũng có, đi đâu cũng gần, mà ăn món gì cũng phải gọi là “mỹ vị”. Và cả hai vợ chồng đã “ăn hết” chợ Đông Ba, nơi được xem là “thiên đường ẩm thực” ở Huế.

“Với vợ chồng trẻ như mình, ở Huế, thích nhất là tản bộ và cùng nhau ăn một cây kem trên con đường Đoàn Thị Điểm, sau khi tham quan Hoàng cung; dạo bước dọc sông Hương và cảm nhận mùi hương nhiệt đới lan tỏa khi hoàng hôn khuất dần sau Kỳ Đài; nắm tay nhau thật chặt, cùng đi trên cầu Trường Tiền khi hoàng hôn xuống sâu hơn, những làn gió nhẹ thoảng trên thành cầu, dừng lại ở giữa hít một hơi và rồi, thấy thời gian như ngưng đọng, chỉ có hai người trong khoảnh khắc đó; khi màn đêm buông xuống, cả hai cùng ra phố Tây. Thích đến nỗi mình bảo chồng “Em đã chọn đúng khi đến Huế phải không anh!” - Yến Thanh hào hứng.

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch nhận định, mỗi điểm đến sẽ có một thế mạnh khác nhau. Để nói nơi nào phù hợp “ăn, cầu nguyện và yêu”, Huế tự tin để khẳng định là nơi hội tụ được cả ba yếu tố đó. Huế là “Kinh đô ẩm thực”, trung tâm của Phật giáo, nơi tín ngưỡng đa dạng gồm các giáo đường. Huế còn là nơi để tìm về những giá trị nguồn cội, lịch sử. Huế có không gian yên bình, là nơi lãng mạn bậc nhất. Huế có một chiều sâu mà những tâm hồn đồng điệu dễ dàng gặp nhau, hội ngộ và giao thoa trong những không gian thật yên bình, lãng mạn đó.

Tìm thấy lý tưởng sống

Sinh ra và sống ở Huế đã nửa đời người, nói lời yêu với vùng đất là nơi “chôn nhau, cắt rốn” này, có lẽ nhiều người sẽ cho là tôi đã quá “AQ” quê hương mình. Nhưng sau cuộc chuyện trò với ông Hylton Lipkin - Đại sứ đầu tiên tại Việt Nam của tổ chức World Wellness Weekend (Ngày Cuối tuần Sức khỏe Thế giới), Tổng quản lý Alba Wellness Resort, một người gốc Nam Phi, là chuyên gia về đào tạo rèn luyện thể chất và chăm sóc sức khỏe tại nhiều nước trên thế giới sau vài năm sống ở Huế, tôi thêm phần khẳng định Huế là thành phố đáng sống, “xứ sở của hạnh phúc”.

Huế ở đâu cũng đẹp

Đã làm việc qua 10 quốc gia, nhiều châu lục trên thế giới; cũng đã làm việc ở một số địa phương khi đến Việt Nam, nhưng khi đến Huế, vùng đất này có một nguồn năng lượng dồi dào giúp Hylton Lipkin khao khát sống trọn vẹn mỗi ngày bên người thương yêu, nơi để hồi phục tổn thương bởi dịch bệnh, ông đã tìm được cảm giác đó khi đến với vùng đất Cố đô. Đó cũng là lý do, ông xem Huế là quê hương thứ hai, đưa cả vợ và hai con cùng đến sinh sống ở mảnh đất này.

Là chuyên gia về sức khỏe, Hylton Lipkin đánh giá, Huế có môi trường trong lành, xanh là mảng màu chủ đạo; một thành phố nhỏ, có dòng sông Hương giữa lòng thành phố… giúp tạo ra một nguồn năng lượng vô tận. Đi sâu vào lĩnh vực ẩm thực, đó là đặc trưng, đặc biệt, nhất là ẩm thực còn gắn với bảo vệ sức khỏe.

Đến Huế và “ăn” được vài cái tết, ông Hylton Lipkin cho biết, “ăn, cầu nguyện và yêu” được gói ghém tất cả trong những ngày tết. Đã tham gia nhiều lễ hội truyền thống, những ngày nghỉ quan trọng nhất trong năm ở các quốc gia, tết cổ truyền ở đây thật khác, là dịp để người Việt thể hiện cảm xúc yêu thương nhiều hơn. Trong dịp tết, người ta quên đi những cái đã qua, hướng đến những điều tốt đẹp để cùng nhau ăn, cầu nguyện và yêu thương. Tình yêu ở đây là tình thương, đoàn tụ, bên nhau trong những giây phút linh thiêng cùng gia đình. “Chính vì những khoảnh khắc đong đầy được gom cả vào những ngày tết, mà tôi yêu con người và văn hóa của vùng đất này. Đây là “chìa khóa” vạn năng của Huế, có thể mở mọi “cánh cửa” để hòa hợp với thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực. Thế nên, Huế sẽ chiếm trọn tình cảm của dòng khách du lịch sức khỏe, xu hướng của tương lai”, ông Hylton Lipkin tâm đắc.

Sau cuộc trò nhiều cảm xúc ấy, tôi lại nhớ đến mùa đông cách đây 5 năm về trước khi có dịp nói về thiền định với doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, chủ nhân Tịnh cư Cát Tường Quân. Theo bà Thảo, không phải ngẫu nhiên mà Huế lại là “trung tâm” của Phật giáo. Sống trên đời, “cảnh giới” cao nhất luôn được hướng đến là tìm thấy hạnh phúc, hanh thông, an nhiên. Vùng đất này luôn tỏa ra được nguồn năng lượng, linh khí giao hòa của đất trời. Đó là điều khiến Huế trở thành điểm đến, nơi tìm thấy sự an lạc của nhiều người.

Bài, ảnh: Đức Quang