Cán bộ Viện Công nghệ sinh học xử lý mẫu xét nghiệm COVID-19

Đêm không ngủ

Qua phòng kính, ánh mắt hai chuyên gia từ phòng thí nghiệm sinh học phân tử sáng lên. Một mẻ (96 mẫu/lần chạy máy) mới vừa ra kết quả, họ nhìn nhau thở phào: “Mẻ này ít có ca dương tính, cầu mong những mẻ sau sẽ không ai mắc”. Lời nguyện cầu đúng vào lúc đồng hồ điểm 5 giờ sáng. Đêm qua, họ đã không ngủ.

Cũng đã nhiều tháng nay rồi, chuyện thức ngủ đẩy lùi “cô- vít”, bảo vệ từng vùng xanh của Huế đã quen với cán bộ, chuyên gia ở Viện CNSH. Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, họ buộc phải “lấn sân” sang công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19.

PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải, Viện trưởng Viện CNSH, Đại học Huế kể: “Sau đợt tập huấn an toàn sinh học vào tháng 7/2021 và hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, Viện CNSH bắt tay vào thành lập phòng thí nghiệm để thực hiện xét nghiệm sàng lọc COVID-19 theo đề nghị của UBND tỉnh, Sở Y tế. Dù không công tác trong ngành y, song với chuyên môn lĩnh vực CNSH, các cán bộ và chuyên gia đều không bỡ ngỡ”.

Thực ra, họ cũng phải tập luyện rất nhiều khi nhập cuộc. Nhớ lần đầu tôi gặp họ lúc tan ca ở Viện CNSH, gương mặt ai cũng mệt mỏi, mắt thâm quầng. Do phải đợi các trung tâm y tế chuyển mẫu về sau một ngày truy vết, lấy mẫu nên ca làm việc bắt đầu vào buổi tối, từ 19 giờ 30 phút, quần quật đến khoảng 10 - 11 giờ sáng hôm sau để kịp trả kết quả. Áp lực về mặt thời gian, tốc độ và sự chính xác buộc tất cả chuyên gia phải luyện tập lại giờ giấc sinh hoạt, làm việc. Lâu rồi quen dần. Mỗi ca xét nghiệm có 9 - 10 cán bộ, từ người làm nhiệm vụ hành chính nhận mẫu, vật tư sinh phẩm đến xử lý mẫu và cán bộ phục vụ, vệ sinh phòng thí nghiệm, xử lý rác y tế. Quy trình khép kín. Nhìn vào ánh mắt của nhau, biết rõ đồng nghiệp vất vả nên ai cũng cố gắng, nhờ đó mọi việc đều trôi tròn.

Kế hoạch được giao nhận mẫu trực tiếp từ các trung tâm y tế Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà chuyển đến. Những ngày số lượng mẫu xét nghiệm trong tỉnh quá lớn, Viện CNSH hỗ trợ nhận thêm mẫu từ các địa phương khác khi CDC tỉnh điều phối. Cao điểm, có ngày Viện CNSH thực hiện xét nghiệm lên đến 5.500 mẫu/ca làm việc. Áp lực càng lớn khi số ca nhiễm tăng lên. Từ 1 ca đêm, Sở Y tế đề nghị Viện CNSH tăng thêm ca ngày và nhận thêm mẫu từ Trung tâm Y tế TP. Huế. Lịch mới ngày 2 ca được thiết lập, nhưng thời gian ca sáng lại bắt đầu khi ca tối chưa kết thúc, từ 8 giờ đến 22 giờ, để không tồn mẫu. Một cán bộ có ít nhất là hai ngày mỗi tuần phải thức đêm.

Có lần, anh Nguyễn Quang Hoàng Vũ, trưởng một ca xét nghiệm phải làm đến 3 ca đêm/tuần để hỗ trợ đồng nghiệp, tức là gần như tuần đó, Vũ không có ngày nghỉ trọn vẹn. Tan ca, vẫn thấy Hoàng Vũ cười tươi. Anh nói: “Mỗi ca kéo dài từ đêm đến gần trưa nên thời gian nghỉ rất ít. Lúc đầu cơ thể chưa quen. Dần, rồi cũng thích nghi. Mình và mọi người không lo nghĩ nhiều, nếu lo sợ đã không làm. Mình chỉ sợ sai, không sợ mệt, chỉ một mẫu đưa kết quả sai sẽ ảnh hưởng đến công tác chống dịch”.

Trong số những cán bộ tham gia công tác xét nghiệm mà tôi gặp ở Viện CNSH, có những người rất trẻ, nhưng nhiệt huyết lại không thể đong đếm được. Hồ Thị Hoàng Nhi là một trong số đó, mới ra trường chưa được nửa năm. Người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn nhưng lại cực kỳ cẩn trọng trong từng nhiệm vụ. Nhi chia sẻ: “Lúc đầu, em cũng lo lắng lắm. Công việc đòi hỏi áp lực và tính chính xác tuyệt đối nên suốt 24 tiếng làm việc, gần như rất ít giây phút nghỉ. Có khi làm từ sáng, đến 4 giờ chiều mới ăn trưa, cũng có ngày bỏ luôn bữa sáng. Những lúc buồn ngủ, đồng nghiệp lại động viên lẫn nhau, nghĩ tới người dân, nghĩ tới một ngày mọi nơi đều là vùng xanh, bỗng dưng tỉnh táo hẳn”.

Bình an khi Huế bình yên

Nhiệm vụ xét nghiệm sàng lọc COVID-19 “ngốn” rất nhiều thời gian nhưng mỗi cán bộ, chuyên gia Viện CNSH lại không được tự quyết lùi thời hạn cho những đề tài nghiên cứu đang đảm nhận. Hai vai ở công việc, họ còn thêm trên vai “người quan trọng” trong gia đình. Thời điểm Huế ghi nhận hàng chục, thậm chí cả trăm ca dương tính mỗi ngày, tần suất làm việc của các cán bộ Viện CNSH nhiều hơn. Cũng ở giai đoạn ấy, con em họ nghỉ học tập trung ở trường. Đi sớm, về khuya, thậm chí phải làm đêm trong phòng thí nghiệm nhưng điều đặc biệt là mỗi người đều sắp xếp được, gia đình luôn trong ấm, ngoài êm.

Chị Phạm Thị Diễm Thi, cán bộ Viện CNSH tham gia công tác xét nghiệm sàng lọc COVID-19 kể, ngày chị mới làm những ca xuyên đêm để xét nghiệm, hai con còn nhỏ ở nhà (con lớn 5 tuổi, con nhỏ 2 tuổi) cứ đòi mẹ, khiến chị không khỏi bận tâm. Để tập trung cho công việc, chị phải bố trí lại lịch cá nhân hằng ngày. Tranh thủ trước khi đi làm, chị lo tươm tất mọi việc cơm nước, quần áo, rồi lại nhờ bà nội dỗ cháu. Những giờ phút rảnh hiếm hoi, chị quay lại nghiên cứu với hai đề tài cấp bộ và cấp Đại học Huế đang làm chủ nhiệm. “Mình phải gắng 200% công suất bản thân. Cũng nhờ vậy, gia đình ủng hộ, chồng cũng rất hiểu và thương. Có những đêm làm về muộn, hoặc ngày sau hết ca, chồng đến tận nơi đón”.

Hơn 3 tháng lao vào cuộc chiến “đẩy lùi COVID-19”, tất cả cán bộ, chuyên gia Viện CNSH tự thay đổi với nhịp sống mới, không còn ai than vãn bị stress. Chẳng những thế, họ còn tham gia đoàn công tác vào Viện Pasteur Nha Trang học tập kinh nghiệm, hướng đến làm thêm xét nghiệm khẳng định COVID-19.

PGS. TS. Trương Thị Hồng Hải nói rằng, đằng sau công tác xét nghiệm, mọi người đều phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với mục tiêu phát triển Viện thành trung tâm CNSH cấp quốc gia tại miền Trung như Quyết định số 523/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Giai đoạn cuối năm với nhiều dự án, bộn bề công việc nhưng mỗi lần động viên, ai cũng bảo cam tâm tình nguyện, bản thân chỉ bình an khi Huế bình yên. Nói vậy rồi, họ lại như tự gắn động cơ, vừa chuyên tâm cho nhiệm vụ xét nghiệm, vừa sắp xếp thực hiện các đề tài nghiên cứu.

Rời Viện CNSH trong một đêm mưa, những ca từ trong ca khúc “Để gió cuốn đi” cứ văng vẳng bên tai, như lời họ dặn tôi hãy giấu đi những vất vả từ phòng xét nghiệm, vì mọi sự cố gắng cho Huế bình yên luôn xứng đáng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc