Muồng hoa đào nở hoa tôn thêm vẻ đẹp dòng sông
Từ một chi lưu nhỏ hẹp, năm 1814, sông An Cựu được vua Gia Long cho khơi đào, đắp đập để lấy nước tưới tiêu, rửa mặn cho hàng vạn mẫu ruộng ở khu vực hạ lưu. Sông dài chừng 30km, lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, đổ vào phá Hà Trung. Đời Minh Mạng, vua đổi tên sông là Lợi Nông và cho chạm khắc vào Cửu Đỉnh.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng An Cựu. Khoảng năm 1969 hay 1970 gì đó, ba mẹ tôi ra riêng, thuê rồi mua hẳn một căn nhà nhỏ ở đường Vạn Vạn (nay là đường Hải Triều). Căn nhà được xây sát bên mép sông, phần nhà chính trên bờ, còn chái bếp thì chỉ là mấy tấm ri sắt đặt tạm bợ trên những chiếc cọc nhỏ “ăn gian” ra mặt nước.
Mà hồi đó không chỉ riêng nhà tôi. Còn nhớ, đoạn từ cầu An Cựu trở lên phía cầu Ga thì thưa thớt hơn, nhưng từ cầu An Cựu trở về phía hạ lưu, hai bên bờ đều san sát những căn nhà như vậy cả. Tạm bợ thế, nhưng đừng nghĩ giá rẻ. Như nhà chúng tôi, đâu chừng 24-25 mét vuông, vậy mà khi mua, ba mẹ tôi phải mang lên chợ Bến Ngự bán đến 27 lượng vàng mới đủ tiền chồng, cũng không hiểu vì sao lúc ấy đang chiến tranh loạn lạc mà bà chủ nhà cứ nhất mực đòi tiền chứ không chịu nhận vàng. Căn nhà đó sau này bán lại chỉ vừa đúng có 1 cây, ở chục năm đất đai nhà cửa không lên lại còn sụt mất đến 27 lần khiến ba mẹ tôi cứ nhắc hoài mỗi khi kể chuyện đời xưa với lũ con cháu. Hơi dông dài thế để cốt khoe rằng, ít nhất trong nửa thế kỷ gần đây, tôi đã gắn bó và chứng kiến những thăng trầm đổi thay của dòng An Cựu - một chi lưu của sông Hương nhưng là một trong 18 con sông nước Việt vinh dự được chạm khắc và lưu danh trên Cửu Đỉnh.
Trong ký ức, tôi vẫn nhớ như in những chiều hè theo chân người lớn xuống bến sông để được vẫy vùng bơi tắm cùng lũ trẻ trong xóm. Mà cũng lạ, nhà cửa đeo bám 2 bên bờ nhiều, chưa kể một số xóm chài lưu động thường xuyên hiện diện nữa mà sao con sông hồi ấy sao trong thế. Có những lúc nước trong đến mức ngồi trên bờ nhìn xuống có thể thấy từng đàn cá mương ào ào di chuyển, những chú cá rô, cá lóc lựa lúc yên tĩnh lặng lẽ nổi lên móng nước rồi lặn xuống ẩn mình rất nhanh, hay những đám rong đủ hình thù đong đưa theo dòng chảy như những khu rừng thủy sinh đầy bí ẩn. Thú vị nhất là cứ mỗi ban trưa ngồi trên nhà say sưa theo dõi những lão ngư với chiếc thuyền con, một tay khoan thai khuấy cái mái chèo be bé để giữ yên vị trí cho thuyền, một tay nhấp nhấp chiếc cần trúc để câu cá phác lác - một loài cá đặc sản của con sông này mà nghe đâu do Thái hậu Từ Dụ đưa giống từ quê bà ở tận Tiền Giang ra thả. Cá phác lác thịt ngon và lành, hợp phong thổ nước nôi nên sản sinh rất nhanh đến nỗi có một chiếc cống và con đường ven sông phía bờ bắc còn được đặt tên là đường Phác Lác - đường Đặng Văn Ngữ bây giờ.
Cá tôm đã trở lại thu hút nhiều "cần thủ" đến câu cá thư giãn mỗi buổi chiều hè...
Sau năm 1975, cống ngăn mặn Phủ Cam được xây dựng, rồi thấy cả khúc sông phía trên cầu An Cựu được ngăn lưới để nuôi cá, dòng nước không còn được lưu thông tự nhiên, mùa hạn có khi còn lội qua lội về được. Lại thêm dân số tăng nhanh, ý thức giữ gìn môi trường kém, nhà máy, xí nghiệp, chợ búa 2 bên bờ cứ xả thải vô tư. Sông An Cựu dần dần như dòng sông chết, không ai dám tắm giặt, cá tôm cũng cạn kiệt chẳng ai còn đến buông câu. Tiếc, nhớ, và buồn…
Cứ ngỡ dòng sông rồi sẽ đi vào “quá vãng” thì may sao giá trị của nó đã được nhìn nhận: “Hai bên bờ và dòng sông An Cựu là một trong những trục không gian cảnh quan quan trọng của thành phố Huế, giữ vai trò là hệ thống thoát nước ở phía Nam thành phố.” (Quyết định số 978-QĐ/UB ngày 15/4/2002 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết 2 bờ sông An Cựu). Dòng sông và cảnh quan đôi bờ được chính quyền đưa vào quy hoạch và đầu tư để cứu vãn, tôn tạo khiến ai đều nức lòng.
Vậy rồi lòng sông được nạo vét, các hộ sống đeo bám đôi bờ được giải tỏa, các tuyến đường Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Đặng Văn Ngữ (Phác Lác), Hải Triều (Vạn Vạn cũ) được đầu tư nâng cấp. Hệ thống công viên và cây xanh đôi bờ được chỉnh trang, chăm chút. Công trình xử lý nước thải quy mô lớn được đầu tư… Nước sông nhờ vậy đã cải thiện đáng kể, cá tôm xuất hiện trở lại ngày mỗi nhiều khiến nhiều “cần thủ” lại rộn rịp tới lui. Hè về, hai bên bờ sông mướt mát màu xanh của cây cỏ và rực rỡ những vàng, đỏ, hồng, tía của hoa muồng xiêm, muồng hoa đào, ô môi, bằng lăng… Cả một góc thành phố rạng rỡ khiến bước chân người dân lẫn du khách phải ngập ngừng chiêm ngắm. Nhiều hàng quán, dịch vụ được mở ra làm cho đôi bờ con sông ngày càng thêm phần vui tươi sinh khí…
Đã bao lần, tôi đã từng mơ về một tour du lịch dọc theo con sông cổ tích này. Có thể đó là tour đạp xe hoặc là đi thuyền tùy theo nhu cầu và sở thích của khách. Đường sá ngon lành, cảnh quan thì quá đẹp và đang ngày mỗi đẹp thêm lên. Quan trọng hơn nữa là 2 bên dòng sông còn có rất nhiều thứ hay ho để mà chiêm ngắm, để mà hoài niệm. Ngay đầu nguồn điểm tiếp giáp với sông Hương, tại vị trí đắc địa nhất là Nhà hát Sông Hương quy mô 1.000 chỗ ngồi vừa được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động. Tiếp đến một quãng không xa là Ga Huế - ga tàu hỏa thuộc hàng cổ xưa nhất Việt Nam (1908). Xuôi tiếp nữa là Bến Ngự, nơi ngày xưa các vua triều Nguyễn neo thuyền để lên bờ đi tế Nam Giao; nơi gắn liền với tên tuổi nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu. Khách chỉ cần đạp xe hoặc rời thuyền đi bộ một quãng ngắn, ngay đầu dốc là khu lăng mộ và nhà lưu niệm của “Ông già Bến Ngự”; cũng tại nơi đây, vào tháng 3/2017, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu đã đến thăm và nghiêng mình trước tấm Bia Tự Minh của cụ Phan - Người cách đây trăm năm đã đến Nhật với phong trào Đông Du và hy vọng sẽ giành được độc lập tự do cho nước nhà.
Đối diện bên kia (bờ bắc) là chợ Bến Ngự và Lạc Tịnh Viên - Khu nhà rường rộng hơn 2 ngàn mét vuông của nhà thơ Hồng Khẳng, một ngôi nhà rường được đánh giá là mẫu mực của Huế và đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Thêm một quãng không xa nữa là Phủ Tùng Thiện Vương của ông hoàng thi ca Miên Thẩm, người được vua Minh Mạng khen tặng trong câu thơ nổi tiếng “Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường”.
Phủ Kiên Thái Vương và cung An Định cùng soi bóng xuống dòng sông
Về thêm một chút nữa, tại địa chỉ 145 Phan Đình Phùng (79 cũ) là nhà lưu niệm Đức Từ Cung. Nơi Đoan Huy Hoàng thái hậu - bà Thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn đã sống những ngày tháng cuối đời từ 1957-1981. Cách đó không xa là cung An Định, cung điện riêng của Khải Định từ lúc còn là thái tử cho đến khi làm vua. Cung điện này có kiến trúc Á - Âu kết hợp hài hòa, được giới du lịch đánh giá là “Viên ngọc lộng lẫy giữa xứ Huế mộng mơ”. Năm ngoái, cung An Định đã chọn làm bối cảnh chính cho phim “Gái già lắm chiêu V” với những cảnh quay khiến khán giả phải xuýt xoa và nao nức muốn được khám phá. Sát bên phải An Định là phủ Kiên Thái Vương - thân phụ của ba vị vua triều Nguyễn: Đồng Khánh, Kiến Phúc và Hàm Nghi. “Một nhà sinh đặng ba vua/Vua còn, vua mất, vua thua chạy dài” - Câu ca ấy là để nói về gia cảnh của ông hoàng đặc biệt này. Ngôi phủ thờ hiện còn khá nguyên vẹn, cũng là một địa chỉ thú vị cho những ai quan tâm lịch sử cũng như đối với những du khách thích khám phá.
Trầm mặc phía bờ nam đối diện là ngôi chùa cổ Phước Thành gắn với tên tuổi bà công chúa Ngọc Cầu. Bà Ngọc Cầu được cậu là Trương Phúc Loan sắp đặt để gần gũi người anh họ là Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát để rồi trở thành phi tần của chúa Vũ. Cuộc hôn nhân đầy tai tiếng này được xem là mầm mống gây cảnh điêu tàn cho vương triều. Khi chúa Nguyễn bị nhà Trịnh kéo vào đánh cho tan tác phải chạy vào Nam lánh nạn, bà Ngọc Cầu đã ở lại và lập chùa Phước Thành để đi tu. Sau khi qua đời bà được táng ngay trong khuôn viên của chùa. Chùa còn có tên dân gian “chùa Bà Sư” là do vậy.
Dòng Chúa cứu thế nhìn từ sông An Cựu
Chỉ một đoạn chừng hơn cây số mà đã có quá nhiều địa chỉ lý thú như vậy. Ấy là chưa kể 2 ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo là nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam và Dòng Chúa Cứu Thế nổi tiếng về kiến trúc độc đáo lẫn lịch sử ở 2 bờ nam - bắc. Có đường Nguyễn Trường Tộ mướt xanh đôi hàng cây long não với quán café Gác Trịnh mở ngay tại căn hộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sống và sáng tác. Rồi về phía hạ lưu còn có lăng Vạn Vạn, nhà thờ của gia đình GS. Đặng Văn Ngữ, có địa danh ruộng cụ Thượng liên quan đến học giả Phạm Quỳnh, có cầu ngói Thanh Toàn với “chợ quê ngày hội” được tổ chức thường quy mỗi dịp festival về…
Một tour xe đạp hoặc một tuor du thuyền dọc con sông cổ tích “nắng đục mưa trong” xứ Huế là hoàn toàn xứng đáng để xây dựng. Rồi với sự hiện diện, rong chơi, mua sắm, trải nghiệm của du khách, cảnh quan, nếp sống, nếp kinh doanh của dân cư đôi bờ cũng sẽ được tác động để thay đổi thích ứng, dễ thương và hiệu quả hơn. Đô thị văn hóa, đô thị di sản, tiềm năng ấy nhất định không nên và không thể ngủ quên lâu hơn nữa…
Nội dung: Hiền An
Hình ảnh: Diên Thống