Nhiều quân nhân xuất ngũ chọn học nghề lái xe ô tô để tìm kiếm việc làm sau khi về địa phương

Đơn cử trường hợp N.B.H, sinh năm 1998 (Lộc Bình, Phú Lộc) chia sẻ, anh nhập ngũ quân đội vào tháng 3/2018 ở Tiểu đoàn BB1, Trung đoàn BB6, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế và xuất ngũ cuối năm 2019. Theo chính sách của Đảng và Nhà nước, sau khi rời quân ngũ, H. được đơn vị hỗ trợ cấp cho thẻ học nghề để tìm sinh kế mới tại địa phương. Thế nhưng sau khi đăng ký tham gia học nghề lái xe tại Trung tâm Tâm An và hoàn tất khóa học loại khá vào tháng 11/2020, nhưng đến thời điểm này anh vẫn chưa nhận được Giấy phép lái xe hạng B2. Nhiều lần, H. làm đơn kiến nghị xin nhận giấy phép lái xe để hành nghề, nhưng chỉ nhận được hồi âm từ Trung tâm trên là chưa giải quyết được, với lý do chưa trả phí học nghề cho đơn vị đào tạo. H. nói: "Em không biết đường nào mà lần. Nhiều trường hợp trước đó trong điều kiện như mình, cũng nộp thẻ học nghề và được Trung tâm Tâm An quan tâm, đào tạo và cấp giấy phép lái xe đúng thời gian quy định".

Bà Ngô Thị Ni, Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An xác nhận, gần đây không riêng trường hợp học viên H., đơn vị phải từ chối (gác lại giấy phép lái xe của nhiều trường hợp QNXN sau khi tham gia học nghề tại đơn vị) vì chưa trả phí đào tạo nghề cho Trung tâm. Tính từ năm 2014 đến tháng 6/2021, còn 173 hồ sơ là QNXN (bộ đội và công an) học nghề lái ô tô (hạng B2 và C) bằng thẻ học nghề, nhưng chưa thanh toán phí học tập cho trung tâm với số tiền gần 1,7 tỷ đồng.

"Đồng hành với chính sách xã hội hậu phương trong quân đội, nhiều năm qua Trung tâm Tâm An có nhiều cơ chế mở hỗ trợ đào tạo nghề cho QNXN. Tuy nhiên, những bất cập trong chi trả phí bằng thẻ học nghề làm cho trung tâm gặp khó khăn khi số học viên thuộc đối tượng quân nhân xuất ngũ tăng; trong đó, chi phí xăng dầu, bến bãi, hao mòn phương tiện khá lớn" - bà Ngô Thị Ni nói. Theo Giám đốc Trung tâm Tâm An, do những vướng mắc trên, nên hiện nay trung tâm không tiếp nhận hồ sơ QNXN trả học phí bằng thẻ học nghề, dù rất nhiều trường hợp đến "gõ cửa". Đây là vấn đề trung tâm đang kiến nghị đến các sở, ban, ngành chức năng cấp trên quan tâm giải quyết.

Ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, những đề xuất kiến nghị của Trung tâm Tâm An, sở đã tiếp nhận. Tuy vậy những tồn tại trên là từ năm 2017 trở về trước, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách nhiệm tiếp nhận thanh toán các chi phí đào tạo nghề theo Thẻ học nghề đối với các đơn vị đào tạo cho QNXN cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, căn cứ Nghị định số 61 của Chính phủ ngày 9/7/2015 về quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm và thông tư kèm theo, cụ thể Thông tư 43 ngày 28/12/2016 của Bộ LĐTB&XH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 14 Nghị định 61, Sở LĐTB&XH là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch, dự toán, phân bổ, giải quyết việc chi trả phí theo Thẻ học nghề của QNXN cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn (trừ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, cơ quan Trung ương). Thực tế, trước khi tiếp nhận tổ chức đào tạo, Trung tâm Tâm An chưa lập kế hoạch, dự toán, báo cáo Sở LĐTB&XH nên không có cơ sở để xem xét, tham mưu giải quyết.

"Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Sở LĐTB&XH đang đề xuất các ban, ngành chức năng Trung ương, địa phương có hướng giải quyết hợp tình hợp lý cho Trung tâm Tâm An cũng như cho các học viên", lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết. Hiện nay, số lượng QNXN trở về địa phương mỗi năm lên đến hàng trăm người, nên để giải quyết kịp thời chế độ chính sách học nghề cho những đối tượng này, Sở LĐTB&XH đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề cho QNXN trong thời gian tới.

Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho QNXN là một trong những chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước nhằm tạo ra một lực lượng lao động quan trọng, góp phần xây dựng chính sách hậu phương quân đội. Những bất cập trên mong các cấp, ngành, đơn vị liên quan sớm giải quyết để tạo niềm tin cho quân ngũ trở về địa phương.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN