Nhờ nguồn vốn tín dụng người dân vùng khó khăn đã có vốn phát triển sản xuất

“Bà đỡ” cho vùng khó

Triển khai từ năm 2007, chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn có mức cho vay khá cao. Với những hộ vay tối đa 50 triệu đồng/hộ sẽ không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Nếu vay trên 50 đến 100 triệu đồng thì phải có vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất tối thiểu bằng 20% và phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Thời hạn cho vay cũng khá đa dạng: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn… Từ nguồn vốn vay này, nhiều hộ dân vùng khó đã từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Là một trong những hộ tiêu biểu về sử dụng hiệu quả nguồn vốn này để phát triển kinh tế, anh Nguyễn Văn Nhất, thôn 3, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ có cơ ngơi khang trang như hôm nay.

Anh Nhất cho biết, với sự động viên của các hội đoàn thể, anh được hỗ trợ vay vốn từ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn với số tiền 70 triệu đồng. Từ những kiến thức tích lũy được trong quá trình tham gia các lớp tập huấn phát triển kinh tế, anh mạnh dạn đầu tư phát triển cây cao su; chăn nuôi bò, lợn sinh sản… Thời gian đầu vay vốn, anh loay hoay suốt ngày cho đến khi diện tích cao su bắt đầu cho thu hoạch những khó khăn ấy mới dần vơi đi. Cao su cho thu hoạch vào đúng thời điểm giá mủ ở mức cao; từ đó, anh có điều kiện mở rộng diện tích cao su lên 2ha, đầu tư thêm 1ha rừng. Đồng thời, phát triển đàn bò dưới tán rừng, nuôi thêm đàn lợn giống nhằm giải quyết nhu cầu vốn tại chỗ. Nhờ nguồn vốn này, anh chính thức thoát được nghèo, đầu tư nhà cửa khang trang, trở thành hộ nông dân SXKD giỏi tiêu biểu.

Chị Nguyễn Thị Viết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Tiến chia sẻ, hộ nghèo, cận nghèo có rất nhiều chương trình làm động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế. Với những hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo thì lại gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn với đối tượng được mở rộng đã thực sự cứu cánh để những hộ này có vốn để đầu tư SXKD, phát triển kinh tế. Chương trình cho vay này đã giúp cho chính quyền địa phương vùng khó khăn thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giúp người nghèo thoát nghèo một cách bền vững hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghèo.

Cần thêm nguồn vốn

Không thể phủ nhận vai trò “bà đỡ” từ chương trình cho vay SXKD vùng khó khăn, tuy nhiên hiện nay quy mô của chương trình này đang ngày càng thu hẹp, đồng nghĩa với việc sẽ có ít người được tiếp cận với chương trình này hơn.

Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thừa Thiên Huế, trong năm 2021, toàn tỉnh có 6 xã ra khỏi vùng khó khăn, nghĩa là hiện chỉ còn 28 xã đang nằm trong danh sách vùng khó khăn. Đến cuối năm 2021, tại 6 xã này có 1.685 hộ đang vay chương trình hộ SXKD vùng khó khăn, dư nợ 59,5 tỷ đồng. Nợ đến hạn từ năm 2021 đến năm 2024 của những hộ này là 43,6 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Thừa Thiên Huế, khi các xã này đã ra khỏi vùng khó khăn, đồng nghĩa với việc những hộ này sẽ không được vay vốn chương trình SXKD vùng khó khăn. Chưa kể trong những năm tới, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới sẽ ra khỏi vùng khó khăn và sẽ có nhiều hộ vay không còn được thụ hưởng chương trình này. Đây không những là khó khăn cho hộ vay mà cũng là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Bởi hiện tại, những xã ra khỏi vùng khó khăn, chưa có chương trình tín dụng chính sách chuyển tiếp chương trình để đáp ứng nhu cầu vốn cho vay.

Ông Tuấn thông tin, Ngân hàng CSXH đã đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung đối với chương trình cho vay hộ SXKD tại vùng khó khăn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ gia đình đang cần vốn đầu tư SXKD. Ngân hàng CSXH cũng đề xuất HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm cân đối nguồn ngân sách chuyển sang Ngân hàng CSXH tỉnh để cho vay. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, người lao động từ phía nam trở về quê khá lớn và mong muốn tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để thực hiện các phương án SXKD tại địa phương; vì thế rất cần có sự quan tâm của chính quyền các cấp trong việc đồng hành hỗ trợ nguồn vốn cho vay.

Bài, ảnh: Hoàng Anh