Theo nội dung Công văn số 362 ngày 6/10/2014, về việc báo cáo thực trạng đội ngũ và kế hoạch điều động giáo viên, nhân viên trường học của Phòng Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) huyện Phú Lộc, để sắp xếp số lớp học và định mức số lượng người làm việc, Phòng GD&ĐT huyện yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện lập danh sách đề nghị điều động giáo viên, nhân viên dôi dư.
Các trường căn cứ vào đề án vị trí việc làm của đơn vị, căn cứ vào số cháu, số học sinh, số lớp để tính số biên chế cần có của đơn vị mình (dựa trên các quy định hiện hành), tính số giáo viên, nhân viên thừa, thiếu từng chức danh nghề nghiệp cụ thể, đề xuất điều động đi đơn vị khác (nếu thừa). Trên cơ sở cân đối số biên chế cần có và biên chế hiện có, nếu trường hợp thừa giáo viên, nhân viên thì nhà trường tiến hành họp xét chọn giáo viên, nhân viên thuộc diện dôi dư, đề nghị điều động đi đơn vị khác theo ba tiêu chí gồm: Số năm công tác thực tế trong ngành giáo dục tính đến ngày 30/9/2014 (tính cả thời gian tập sự, tối đa 5 điểm); thành tích cá nhân (tối đa 5 điểm); hoàn cảnh gia đình.
Cũng theo nội dung Công văn 326: Những trường hợp giáo viên, nhân viên đang thường trú xa địa phương nơi đang công tác thì ưu tiên điều động trước. Chưa xem xét điều động đối với giáo viên, nhân viên là nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nếu có nguyện vọng điều động phải có đơn. Ưu tiên điều động những giáo viên, nhân viên tình nguyện trước, sau đó tính đến tổng điểm của 2 tiêu chí trên. Nếu điểm bằng nhau thì tính đến tiêu chí 3 (hoàn cảnh gia đình).
Quy định là vậy, thế nhưng vừa qua, môn tin học của Trường THCS Lộc An có hai giáo viên là Nguyễn Quốc Anh Minh (sinh 1972) và Đặng Nguyên Sơn (sinh 1980) sau khi xét 2 tiêu chí (năm công tác và thành tích cá nhân) có cùng số điểm (6 điểm), ông Minh bị điều động đến Trường THCS Xuân Lộc (xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc) cách nhà khoảng 20km, việc đi lại khó khăn. Trong lúc ông Minh tốt nghiệp đại học hệ chính quy, lớn tuổi hơn, hiện bị nhiều bệnh, đã có thời gian phục vụ trong quân đội và đã có thời gian công tác tại xã Lộc Thủy (xã xa). Cho rằng nhà trường giải quyết thiếu công bằng, ông Minh cũng phản ánh đến Phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc.
Theo ông Lê Đức Chính, Hiệu trưởng Trường THCS Lộc An, đối chiếu với các quy định hiện hành, Trường THCS Lộc An thừa 11 giáo viên. Trường đã có công văn yêu cầu các tổ chuyên môn họp điền các thông tin, ghi thứ tự điểm của tiêu chí 1, 2. Những giáo viên có số điểm bằng nhau, trường lập danh sách chuyển về Phòng GD&ĐT. Việc điều động ai là do Phòng GD&ĐT quyết định. Đối với môn tin học, ông Sơn ngoài việc giảng dạy chuyên môn, đã được tập huấn, hiện đang quản lý công nghệ thông tin và phổ cập giáo dục của trường. Nếu ông Sơn bị điều động đến đơn vị khác thì sẽ khó khăn trong việc tìm người (tại trường) đủ điều kiện đảm nhiệm công tác này. Do vậy, bên cạnh số điểm của ông Sơn (nhiều giáo viên bằng điểm nhau theo tiêu chí 1, 2), trường có ghi chú “phụ trách công nghệ thông tin, phổ cập giáo dục”, trong danh sách gửi về Phòng GD&ĐT. Sau đó, Phòng GD&ĐT đã lựa chọn không điều động ông Sơn.
Ông Huỳnh Thế Danh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phú Lộc cho biết: Căn cứ vào nhu cầu, cách xếp thứ tự ưu tiên và đề nghị của trường, Phòng quyết định không điều động ông Sơn đến đơn vị khác, để giáo viên này tiếp tục đảm nhiệm công tác quản lý công nghệ thông tin và phổ cập giáo dục tại trường. Theo ông Huỳnh Thế Danh và ông Lê Đức Chính, sau việc điều động, ông Nguyễn Quốc Anh Minh có ý kiến. Tuy nhiên, trong buổi làm việc tại Phòng GD&ĐT, ông Minh đã đồng ý đối với việc điều động.
“Trường THCS Xuân Lộc cách nhà tôi 20km, là quãng đường quá xa, đi lại khó khăn, khi tôi đang bị nhiều bệnh như đau cột sống, gan nhiễm mỡ… Mong rằng sau một thời gian công tác ở đây (Xuân Lộc) tôi được quan tâm, xem xét cho chuyển về một trường gần nhà hơn” - ông Minh đề đạt. Đối với nguyện vọng của ông Minh, ông Huỳnh Thế Danh cho biết, khi có điều kiện, Phòng GD&ĐT sẽ sắp xếp bố trí theo nguyện vọng hợp tình, hợp lý của giáo viên.
Quỳnh Anh