Chúng ta cần biết rằng: Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất có thẩm quyền quyết định những vấn đề lớn của đất nước, thông qua Hiến pháp và pháp luật nhằm quản lý xã hội. Những quyết định có tính chất quan trọng đó phải được đại biểu Quốc hội - đại diện cử tri cả nước thông qua.

Theo luật tổ chức của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp quy định: Quốc hội triệu tập họp định kỳ 1 năm 2 lần. Đây là “Kỳ họp bất thường” nhằm xử lý những vấn đề cấp bách, những vướng mắc của các luật có liên quan cơ chế quản lý kinh tế. Chính vì lẽ đó mới có một kỳ họp “bất thường”.

Lần này, Quốc hội xem xét những nội dung chính: Thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan kinh tế; dự án đầu tư đường cao tốc phía Đông; một số chính sách đặc thù thí điểm đối với thành phố Cần Thơ. Đặc biệt là chính sách tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau khi khi thực hiện “bình thường mới”. Những vấn đề như trên đòi hỏi cấp bách về thời gian để nhanh chóng có hiệu lực, áp dụng được ngay. Những gói tài khóa lớn, những sửa đổi luật có liên quan nhằm giúp Chính phủ, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Đó là cơ sở quan trọng về cơ chế, làm tiền đề cho chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Gọi là “bất thường” vì Quốc hội chưa từng triệu tập kỳ họp bất thường ngay cả trong thời kỳ chiến tranh. Ở địa phương, Hội đồng Nhân dân khi cần thiết có thể triệu tập họp bất thường, nhưng với Quốc hội thì đây là lần đầu. Trong hoạt động lập pháp, khi ban hành một luật hoặc phê duyệt dự án đều phải tuân theo luật ban hành văn bản quy phạm. Mỗi luật dù lớn hay nhỏ đều được chuẩn bị qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn, tốn nhiều thời gian. Có luật không theo kịp tình hình, chưa kể còn phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành kèm theo. Khi kỳ họp Quốc hội không kịp thông qua phải chờ thêm 6 tháng cho kỳ họp tiếp theo sẽ làm chậm triển khai chương trình có tính cấp bách. Trong khi đó, yêu cầu sớm được áp dụng nhằm thực hiện chính sách cho thực hiện “mục tiêu kép” trong điều kiện “bình thường mới”.

Có thể xem đây là một chủ trương nhanh, nhạy, chủ động của Đảng và Quốc hội đối với đất nước. Thời điểm hiện nay, chậm trễ trong cơ chế sẽ làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế - xã hội là có lỗi với đất nước và Nhân dân. Hai năm ứng phó với đại dịch, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều quyết sách lớn nhằm ổn định kinh tế vĩ mô nhưng ảnh hưởng kinh tế - xã hội do đại dịch là hết sức nặng nề. Chỉ tiêu GDP trong 2 năm 2020, 2021 chỉ đạt 2,91% và 2,58%, thấp hơn nhiều so với  nghị  quyết của Đảng, Quốc hội đề ra giai đoạn 2021-2025 là 6,5-7%.

Tuy Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng cao, ứng phó hiệu quả với đại dịch, nhưng với những tổn thất về kinh tế, an sinh xã hội, không cho phép thời gian kéo dài. Những quyết sách lớn sẽ có tác động mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Chính vì lẽ đó, kỳ họp “bất thường” của Quốc hội lần này hết sức “bình thường”, thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo đất nước.  Kỳ họp “bất thường” đầu tiên sẽ làm tiền đề “bình thường” cho những lần tiếp theo mỗi khi tình hình đất nước đòi hỏi.

Cùng với những quyết sách lớn của Đảng, Nghị quyết 128 của Chính phủ, những thể chế mới được Quốc hội thông qua sẽ làm tiền đề vững chắc cho phát triển bứt phá ngay trong năm 2022 và những năm tiếp theo, tạo đà hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP được đề ra trong nhiệm kỳ 2021-2025. Không thể xem đây là “phá lệ”, mà chính là tạo ra một “tiền lệ” tốt hơn.

Là một “kỳ họp bất thường” nhưng lại rất “bình thường” trong trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với Nhân dân, đất nước. Những kết quả đạt được trong kỳ họp bất thường lần này góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Những kẻ đưa ra những luận điệu xuyên tạc mà âm mưu không muốn đất nước phát triển, gây chia rẽ trong Nhân dân; cần cảnh giác, vạch trần âm mưu đen tối đó.

NGUYỄN AN HÒA