Ngành môi trường phối hợp xử lý sự cố môi trường đất do chất độc hóa học còn tồn lưu

Để phòng ngừa và kịp thời xử lý sự cố môi trường, trong năm qua, ngành tài nguyên môi trường đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế tại những khu vực có phát sinh các loại chất thải, có phản ánh về ô nhiễm môi trường và tiến hành lấy mẫu quan trắc môi trường định kỳ, đột xuất.

Trong năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giao nhiệm vụ Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Quan trắc TN&MT khảo sát, quan trắc, đo đạc và phân tích 54 điểm quan trắc không khí; 100 điểm quan trắc nước mặt ở các sông, hồ, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; 15 điểm quan trắc nước thải trên địa bàn tỉnh; 11 điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ; 19 điểm quan trắc chất lượng nước dưới đất; 18 điểm quan trắc môi trường đất và 24 điểm trầm tích. Ngoài ra, ngành tiếp nhận, theo dõi và quản lý số liệu của 21 trạm quan trắc tự động trên địa bàn tỉnh, gồm: 2 trạm quan trắc tự động quốc gia, 19 trạm quan trắc tự động nguồn thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó đã công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí, nước mặt ra cộng đồng, từng bước phục vụ kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thực hiện chương trình quan trắc hiện trạng môi trường tỉnh năm 2021, Trung tâm Quan trắc TN&MT quan trắc môi trường nước mặt tại một số điểm trên các sông, hồ với diễn biến chất lượng môi trường được đánh giá đạt mức tốt. Trong đó, có gần 74% tại các điểm quan trắc trên các sông, hồ có giá trị chất lượng môi trường nước mặt (VN_WQI) đạt mức tốt đến rất tốt, phù hợp với mục đích cấp nước sinh hoạt; 22% tại các điểm quan trắc có giá trị VN_WQI đạt mức trung bình, phù hợp với mục đích tưới tiêu và các mục đích tương đương khác; 4% tại các điểm quan trắc có giá trị VN_WQI đạt mức kém, sử dụng cho giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

Nước sông Hương và các sông khác trên địa bàn còn rất sạch. Đối với các điểm thượng nguồn có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, các điểm hạ nguồn có thể sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp.

Kết quả quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ mới đây cho thấy nồng độ các thông số CO, NO2, SO2, H2S, bụi TSP tại hầu hết các điểm quan trắc (54 điểm) đều có giá trị thấp và dưới ngưỡng Quy chuẩn cho phép, ngoại trừ nồng độ bụi TSP tại vị trí ngã tư đường Dạ Lê và đường tránh Huế tại thời điểm quan trắc tháng 8 vượt so với QCVN 05:2013/BTNMT.

Diễn biến chất lượng không khí tại Trạm quan trắc tự động và liên tục môi trường không khí (đặt tại số 83 Hùng Vương, TP. Huế) được đánh giá dựa theo chỉ số chất lượng môi trường không khí (VN_AQI) do Tổng cục Môi trường xây dựng và ban hành cho thấy, chỉ số AQI hầu hết các ngày đều đạt mức tốt, chỉ có một vài ngày ở mức trung bình. Chất lượng môi trường không khí đo được trong năm 2021 có diễn biến tương đồng so với năm 2020 tại hầu hết các điểm quan trắc.

Để giám sát, quản lý tốt chất lượng môi trường, Sở TN&MT tiếp tục trao đổi và cập nhật thông tin khu vực, thông tin quốc gia để dự báo, đề xuất kịp thời và hữu hiệu, nhằm khắc phục những diễn biến bất lợi của môi trường đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, trong năm 2022, ngành sẽ từng bước tiếp cận và xử lý thành thạo phần mềm tiếp nhận và quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường, xây dựng phòng điều hành và quản lý dữ liệu quan trắc tự động để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu và kết nối vào Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN