Ngày càng thường xuyên và quen thuộc hơn với người nghe là hai từ minh bạch. Minh bạch thông tin, minh bạch quy hoạch, minh bạch đầu tư, minh bạch đấu thầu… Vì sao các nhà quản lý, các chuyên gia ở các lĩnh vực nhắc nhiều đến nó như vậy? Có lẽ, vì nó là một thuộc tính, là một sự đòi hỏi của xã hội phát triển. Luật lệ ở mọi lĩnh vực ra đời để bao phủ mọi hoạt động xã hội cũng là để đảm bảo cho điều này – cái gì cũng phải rõ ràng, đúng quy định, đúng kỷ cương phép nước.

Chúng ta thấy, xã hội càng phát triển thì đòi hỏi về điều này càng cao. Như thu nhập chẳng hạn; nguồn thu nhập từ đâu, đã kê khai chưa, kê khai thế nào, đã thực hiện các nghĩa vụ thuế chưa? Việt Nam chúng ta cũng đã có quy định này nhưng thực tế kiểm soát thì chưa như mong đợi. Tức, quy định có khi đã có nhưng minh bạch vẫn chưa...?

Động lực làm cho người ta không muốn công khai minh bạch thì đã rõ - đó là miếng đất màu mỡ cho tư lợi và nó thường rơi vào khu vực công, mà nhiều nhất là lĩnh vực kinh tế, từ việc đầu tư mua sắm tài sản công, đến cách thức đấu thầu, đấu giá, chỉ định thầu, thậm chí là vay mượn. Ngân hàng là nơi kinh doanh tiền tệ, sống được là nhờ khách hàng nhưng không phải khách hàng nào cũng như nhau, trong đó có không ít khách hàng là người nhà, thân hữu… Như thế để chúng ta thấy, muốn minh bạch ở một đất nước đang phát triển hoặc kém phát triển không phải cứ muốn là được. Nó phải được đảm bảo rất nhiều yếu tố, ngoài các quy định buộc phải thực hiện các bước minh bạch, còn những yếu tố khác như giảm lượng chi tiêu tiền mặt; tạo dựng cơ chế giải trình; và thậm chí là “phông” văn hóa - cách thức ứng xử với đồng tiền thu được.

Dường như ai cũng thích tiền, tức là mong muốn giàu có nhưng không phải ai cũng ứng xử với nó như nhau. Câu chuyện của nhiều doanh nhân giàu có trên thế giới làm cho chúng ta ngạc nhiên, vì cả đời họ kinh doanh kiếm tiền nhưng rồi cái họ để lại là mong ước sự trường tồn doanh nghiệp, tức là tạo ra thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Từ Á sang Âu sang Mỹ đều có những doanh nhân kiểu này. Tiền họ chỉ để lại thừa kế cho con một phần rất nhỏ trong tổng tài sản, còn lại là thành lập các quỹ hoạt động xã hội. Phông văn hóa như vậy nên họ càng đòi hỏi cao về sự minh bạch và không ít tấm gương về điều này.

Chúng ta nói nhiều về việc đồng tiền chỉ là phương tiện, nhưng chúng ta cũng không lạ gì khi đối với nhiều người đồng tiền thực sự là mục đích. Họ làm mọi cách để đạt được mục đích có tiền dù có những cách thức đầy rủi ro và ảnh hưởng cho xã hội rất lớn. Đó là chuyện chuyển nhượng đất công ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều nơi khác; bán máy móc thiết bị y tế; bán cổ phiếu chui; bán tài nguyên thiên nhiên; lợi dụng chỉ định thầu; công ty người nhà, công ty “sân trước sân sau”… Những vụ án bị lôi ra ánh sáng trong mấy năm gần đây cho thấy điều đó. Và nó đều có một đặc điểm chung là thiếu minh bạch và dính dáng đến bộ máy hành chính Nhà nước.

Cho nên muốn chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, yêu cầu đầu tiên phải là minh bạch. Nghĩa là làm cho ai cũng có thể dễ dàng biết được việc mà Nhà nước làm và cũng dễ dàng giám sát được việc thực hiện. Có lẽ không ít người không mong muốn điều này nhưng đó là điều buộc phải làm để chống thất thoát tài sản công hiệu quả.

Tất nhiên không phải cứ minh bạch là yên tâm mọi việc sẽ đâu vào đấy, sẽ trở nên tốt đẹp mà cùng với đó là kiểm tra giám sát, xây dựng cơ chế giải trình hiệu quả; từng bước tăng cường kiểm soát và hạn chế chi tiêu tiền mặt…

NGUYÊN LÊ