Tiếp vận hàng hóa tại KCN Phú Bài

Theo ước tính, hàng năm giá trị hàng hóa đi và đến Việt Nam hơn 500 tỷ USD, đó là một con số khổng lồ. Logistics có hơn 17 loại dịch vụ như, kho bãi, vận tải hàng hóa, kiểm định, cân đo khối lượng, thủ tục thông quan, chuẩn bị vận đơn, môi giới vận tải, chuyển phát hàng hóa… tham gia trực tiếp vào việc phục vụ lưu thông cho lượng hàng hóa lớn này. Hoạt động này, không chỉ tạo ra những giá trị kinh tế mà góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực tế hiện nay, tiềm năng và dư địa phát triển của dịch vụ logistics ở Việt Nam rất lớn. Song, vẫn chưa khai thác hết những thế mạnh khiến cho năng lực cạnh tranh của ngành logistics vẫn còn hạn chế, vốn của các DN hoạt động trong ngành vẫn ở quy mô nhỏ.

Báo cáo logistics Việt Nam 2021 cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, số DN vận tải, kho bãi đăng ký thành lập mới tăng 4,61%, số vốn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, tỷ lệ DN lĩnh vực vận tải kho bãi đăng ký thành lập mới còn thấp.

Trong thời đại số, đặc biệt là ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều DN gặp khó khăn. Sự chuyển dịch thị trường là điều dễ nhận thấy, nghĩa là họ không còn phụ thuộc vào một thị trường nhất định mà lựa chọn nhiều thị trường khác thỏa mãn đầy đủ các điều kiện về hạ tầng, môi trường kinh doanh, đặc biệt là tính an toàn. Do vậy, phát triển logistics đồng nghĩa với việc giữ chân DN hiện có và thu hút các DN đầu tư trong tương lai.

So với các tỉnh thành khác, Thừa Thiên Huế có rất nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics. Trong đó, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là đô thị cảng, đầu mối giao thông đường biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; có tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam đi qua; có cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ ra Biển Đông gần nhất của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; nằm giữa hai sân bay quốc tế Phú Bài và Đà Nẵng, thuận lợi trong việc kết nối với nội địa và quốc tế…

Mặc dù vậy, tại 7 khu kinh tế, công nghiệp của tỉnh, với hàng trăm DN đang hoạt động, trong số đó có các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng hiện nay dịch vụ logistics vẫn chưa phát triển. Con số DN hoạt động trong lĩnh vực này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong một lần trao đổi, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đầu tư & hạ tầng KCN cho rằng, hạ tầng hiện nay tại các khu kinh tế, công nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics, đặc biệt là vận tải, lưu thông hàng hóa quốc tế. Ngoài ra, chính sách thu hút, phát triển logistics vẫn chưa hoàn thiện…

Dịch vụ logistics muốn phát triển cần có sự liên kết. Nghĩa là phải tạo ra mạng lưới DN logistics với nhau, nhằm hỗ trợ về vốn, nhân lực, công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa… DN logistics trên địa bàn không nhiều thì lấy gì để liên kết? Số ít DN logistics hiện nay buộc phải “nhờ cậy” hạ tầng và liên kết với các DN khác ở Đà Nẵng như là giải pháp hữu hiệu.

Trong quá trình phát triển dịch vụ logistics, cảng biển là đầu tàu. Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Thừa Thiên Huế là cảng biển loại I, bao gồm khu bến tổng hợp Chân Mây, khu bến Thuận An và bến chuyên dùng Phong Điền. Với khu bến Chân Mây được quy hoạch cho tàu hàng 70.000 vạn tấn, tàu container 4.000 TEU, tàu khí LNG 150.000 tấn…

Với định hướng đó, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch phát triển dịch vụ logistics. Xây dựng các trung tâm logistics tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, tạo ra tính liên kết vùng. Khu cảng Chân Mây được quy hoạch khu dịch vụ logistics với diện tích trên 50ha, định hướng trở thành khu dịch vụ logistics hạng I. Ngoài ra, Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô cũng được quy hoạch trung tâm tiếp vận và lưu thông hàng hóa.

Không phủ nhận chúng ta đã có sự đầu tư nhất định, điển hình như tại cảng Chân Mây đã hoàn thành cầu cảng số 1 dài 360m, cầu cảng số 2 dài 280m và số 3 dài 270m; đê chắn sóng giai đoạn 1 dài 450m cũng hoàn thành… Song, nhiều công trình đang chậm như, cảng cá Thuận An hay việc giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng, môi trường tại các khu công nghiệp.

Để logistics thực sự đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đang triển khai, từng bước hoàn thiện hạ tầng tại các khu công nghiệp trọng điểm. Đặc biệt, nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, tiến tới cấp phép đầu tư trong lĩnh vực logistics trong năm 2022. Bởi, logistics phát triển sẽ tạo điều kiện cho các DN giảm chi phí vận chuyển, chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh, thu hút đầu tư về lĩnh vực công nghiệp vào các khu kinh tế, công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN