Cơ giới hóa giúp giải phóng sức lao động

Trước yêu cầu đó, một số địa phương bước đầu liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Các công ty cung ứng giống, hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tổ chức bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tại xã Quảng Phú (Quảng Điền), Công ty CP 3F Việt liên kết với người dân triển khai mô hình chăn nuôi gà thảo dược, nhà máy ấp trứng 3F, mỗi năm sinh sản 7 triệu con giống, cung ứng nhu cầu chăn nuôi gà thảo dược tại 10 tỉnh, thành. Mô hình không chỉ tạo ra nguồn sản phẩm chất lượng, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá ổn định mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Công ty TNHH Dược liệu Hương Cát liên kết với chính quyền địa phương, người dân xã Quảng Thái triển khai mô hình trồng cây dược liệu sâm cau mang lại hiệu quả bước đầu. Sau khi thành công mô hình, công ty chuyển giao công nghệ trồng và chăm sóc cho các hộ gia đình, mở rộng trồng sâm cau dược liệu với diện tích 2ha. Công ty còn hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ trồng các loại cây dược liệu có giá trị như tràm gió, săng mã, gỗ gõ trên vùng rú cát. Riêng cây săng mã không chỉ là loại cây dược liệu mà có thể phục vụ trồng ở các dự án, thay thế cây xanh dọc các tuyến phố.

Quảng Thành ứng dụng công nghệ trồng rau an toàn

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh thông tin, gần đây, trên địa bàn huyện triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả. Ngoài các mô hình trên, đáng kể là các mô hình sản xuất lúa sử dụng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ sau thu hoạch với diện tích 6ha, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP 21ha, sử dụng giống lúa mới có triển vọng năng suất cao 67ha, sản xuất thử giống lúa mới có triển vọng 22ha.

Đánh giá bước đầu cho thấy, các mô hình đều đạt kết quả khả quan, đa dạng hóa các giống lúa có năng suất, chất lượng để cơ cấu vào sản xuất trong thời gian tới. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã triển khai một số mô hình trên địa bàn, như mô hình ba giảm, ba tăng, trong đó có IPM trên cây lúa, thử nghiệm một số giống lúa mới. Riêng hộ ông Hồ Điệt ở xã Quảng Lợi triển khai 1,6ha trồng lúa sinh thái ở HTXNN Thắng Lợi. Một số HTX (Thống Nhất, Mai Phước, Phú Thuận) hợp đồng với các doanh nghiệp áp dụng công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, cho thấy nhiều ưu điểm như giảm chi phí, bảo vệ môi trường, sức khỏe người sản xuất.

Mô hình nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao tại Ngũ Điền

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục duy trì như mô hình trồng rau thủy canh hồi lưu trong nhà màng 350m2 tại vùng trang trại Quảng Lợi. Huyện Quảng Điền đang xây dựng hai mô hình mới, ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng, sơ chế và bảo quản nấm dược liệu linh chi tại xã Quảng Phú, sản xuất cà chua an toàn trong nhà màng tại xã Quảng Thọ.

Tại huyện Phong Điền, có ba mô hình nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình được thiết kế có mái che nên chủ động về khí hậu, thời tiết, ứng phó dịch bệnh, mỗi năm có thể nuôi 3-4 vụ. Đây là mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nên người dân được hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật và không lo đầu ra sản phẩm. Sản phẩm được Công ty CP. Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế bao tiêu toàn bộ.

Cũng tại huyện Phong Điển, Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh đầu tư ứng dụng công nghệ xay xát lúa gạo Green 6 ở thị trấn Phong Điền. Để phục vụ nhu cầu nhà máy xay xát lúa gạo hiện đại, công ty liên kết với nông dân triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, an toàn và hướng đến mô hình hữu cơ theo cánh đồng mẫu lớn. Công ty cũng đã xây dựng một số thương hiệu gạo chất lượng cao, như gạo Thiên Phú ST24… có mặt tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi kiểm tra các mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào cuối năm 2021, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đánh giá, nông nghiệp của tỉnh bước đầu có sự đầu tư nâng cao chất lượng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu bền vững. Các mặt hàng nông sản có khả năng cạnh tranh thấp, dễ bị tổn thương trước tác động của thiên tai, dịch bệnh phức tạp và diễn biến bất lợi của thị trường trong và ngoài nước. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, chủ trang trại liên kết với nông dân đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đảm bảo sức cạnh tranh.

Bài: HOÀNG TRIỀU - Ảnh: HOÀNG TRIỀU - NGUYỄN PHONG