Chưa phát huy hết công suất

Thư viện Trường tiểu học Trường An (Huế) được công nhận đạt chuẩn từ năm học 2006 - 2007. Ngoài sách tham khảo, sách giáo khoa dành cho giáo viên, hiện thư viện có chừng 800 cuốn sách văn học thiếu nhi. Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, ngoài ngân sách Nhà nước chi hàng năm, trường từng vận động học sinh nộp sách. Sau đợt “tổng vận động” cách đây gần mười năm, hiện cứ đầu mỗi năm học, trường đều vận động học sinh tặng thư viện một cuốn sách, truyện. Với trên 1.000 học sinh, số sách thu được khá nhiều, nhưng đa phần chất lượng không đảm bảo.
Cô và trò Trường tiểu học Lý Thường Kiệt
Cô Nguyễn Phước Minh Tâm, thủ thư kiêm phụ trách thiết bị cho biết, tuy chỉ có khoảng 1.000 đầu sách văn học thiếu nhi, nhưng thư viện vẫn có sức hút rất lớn với học sinh. Mỗi giờ ra chơi, có từ 30 đến 40 em vào đọc. Do phòng đọc chật chội, để tránh tình trạng quá tải, gần đây thư viện trường “xếp lịch” mỗi buổi chỉ có học sinh hai lớp được vào thư viện đọc. Cô Minh Tâm cho biết, hàng năm từ nguồn 10% ngân sách, tương đương khoảng 40 triệu đồng là kinh phí bổ sung chính, trường không thu bất kỳ khoản phí nào từ học sinh. Mơ ước trở thành thư viện xuất sắc còn xa vời và tỷ lệ học sinh được tiếp xúc với văn hóa đọc xem ra hạn chế.
Ông Phan Văn Hải, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Để khuyến khích phong trào đọc sách trong học sinh tiểu học, ngoài tổ chức các thư viện hoạt động hiệu quả, các trường còn tổ chức cho các em “mặc định” thời gian đến thư viện đọc sách vào đầu tuần, tổ chức thi kể chuyện… để các em có thêm mục tiêu cụ thể”. Về công tác phát triển sách cho thư viện, ông Hải cho biết nhiều trường tổ chức thu mỗi em 1.000 đồng/ năm để mua sách. Trong 231 trường tiểu học của tỉnh, hiện có 170 trường được công nhận có thư viện đạt chuẩn. Tuy nhiên vẫn có 30 trường chưa có giáo viên chuyên trách nên vẫn chưa phát huy hết “công suất” của… sách. Ở các trường có thư viện đạt chuẩn, thì đầu sách trung bình trên học sinh chỉ là 3/1, một con số quá khiêm tốn so với nhu cầu.
Cần một cách làm hay
Trong các cấp học thì học sinh tiểu học có vẻ thích đọc sách trong giờ ra chơi. Khuyến khích học sinh đọc sách, nhiều trường tiểu học trưng bày tủ sách, khu vườn khám phá tri thức ngay ở sảnh hoặc gần sân trường để thu hút các em đọc sách trong giờ ra chơi hoặc thời gian chờ cha mẹ đến đón. Tuy nhiên, lên bậc học cao hơn như THCS và THPT thì thói quen này mai một dần. Vào mỗi giờ ra chơi, thư viện của Trường THCS Thống Nhất (TP Huế) có trên 30 học sinh ghé vào đọc sách, xem truyện tranh. Đây là những học sinh còn có đam mê đọc sách, thích thú tìm đọc truyện mới. So với cả ngàn học sinh đang nô đùa ở sân trường thì con số này quá ít. Để động viên, trong giờ văn, giáo viên các trường yêu cầu học sinh phải đọc tác phẩm để các em đến thư viện tìm sách đọc. Nhiều em đối phó, đến thư viện để chụp lại vài trang sách cần đọc chứ không đọc sách. Vì thế, hiện hệ thống thư viện ở các cấp học lớn hơn, được trang bị đầy đủ, từ sách giáo khoa tham khảo đến các tác phẩm văn học, tạp chí, sách báo… nhưng học sinh lại thờ ơ. Ngay cả mùa hè, số học sinh tìm đến thư viện trường để đọc sách, nghiên cứu cũng không nhiều. Tình cảnh chung của hệ thống thư viện là lèo tèo người đọc và mượn sách đã khiến không ít người ưu tư cho văn hóa đọc đang mai một. Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục và các hiệu trưởng, do chương trình học ở bậc trung học nặng, chiếm hết thời gian ở trường nên rất khó duy trì thói quen đọc sách tại trường. Thực tế, thời gian ở nhà của các em cũng hạn hẹp, áp lực học để thi cử, để vào bậc học cao hơn khiến học sinh phải học ở trường, ở lớp học thêm liên tục, thời gian nào để đọc sách?
Việc đầu tư kinh phí để phát triển thư viện ở nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu. Do thiếu quan tâm và kinh phí, nhiều trường mang tiếng có thư viện nhưng đầu sách tham khảo, tài liệu, truyện đọc nghèo nàn khiến học sinh không thích vào.
Về phía học sinh, những tác động, trong đó có internet ngốn hết thời gian rảnh rỗi nên các em ít quan tâm đến văn hóa đọc. Đây là vấn đề đáng báo động. Làm thế nào để tạo thói quen, nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách ở học sinh? Trước mắt, để học sinh có thời gian đọc thì nội dung chương trình học phải tiếp tục giảm tải và nên xây dựng lịch đọc như cách giáo dục của các nước tiên tiến đang áp dụng… Để học sinh có thói quen vào thư viện, việc đầu tư cho thư viện hiện đại, đạt chuẩn, một không gian đọc hiện đại cần kèm theo người hướng dẫn các em đọc sách, tìm tài liệu. Làm sao để thư viện có giá trị bổ sung kiến thức cho từng môn học, giúp học sinh mở rộng kiến thức, rèn luyện thói quen tự học, tự nghiên cứu, đổi mới phương pháp học tập theo mô hình giáo dục tiên tiến. Khi được hướng dẫn, định hướng văn hóa đọc, các em sẽ biết cách khai thác hiệu quả kho tàng tri thức từ sách, từ internet, môi trường điện tử và phát triển năng động, toàn diện hơn.
Bài, ảnh: Hương Giang